Microsoft Word - Xem l?i m?t v?n d? ng? âm ti?ng vi?t.doc

Kích thước: px
Bắt đầu hiển thị từ trang:

Download "Microsoft Word - Xem l?i m?t v?n d? ng? âm ti?ng vi?t.doc"

Bản ghi

1 Xem Lại Một Vấn Đề Ngữ Âm Tiếng Việt: Cấu Trúc Âm Tiết Ðoàn Xuân Kiên I. 1. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta chỉ nói năng với nhau qua từng câu nói. Mỗi câu nói là một chuỗi dài ngắn những mẩu âm thanh cắt rời nhau, gọi là tiếng. Câu nói: Cái bàn này hình bán nguyệt có sáu tiếng. Mỗi tiếng như thế, đứng trên bình diện ngữ âm, là một âm tiết. Âm tiết là một cấu trúc cơ bản của một câu nói về mặt phát âm. Âm tiết là một khái niệm thuộc ngữ âm học phương tây để chỉ một đơn vị lời nói được phát ra. Trước kia, chúng ta chỉ gọi đơn vị này là một tiếng. Một "tiếng" trong tiếng Việt được nói lên là một đơn vị ngữ âm, và cũng là một đơn vị ngữ pháp. Một "tiếng" là một đơn vị phát ngôn, và là một đơn vị cuả lời nói để tạo ra những kết cấu lời nói trong hoạt động nói năng giao tiếp. Ðặc tính này cuả tiếng chính là một tính cách loại hình cuả tiếng Việt, trong đó mỗi đơn vị phát âm trùng khít với đơn vị ngữ pháp (hình vị, và từ). Khi xét trên bình diện ngữ âm, tiếng là một đơn vị cuả ngữ âm, tức là một âm tiết. Câu tiếng Việt sau đây là một tập hợp 6 âm tiết: "trèo lên cây bưởi hái hoa", và là sáu từ, mỗi từ là một hình vị -nếu nhìn từ cấp độ ngữ pháp. Tính cách này cuả tiếng cuả tiếng Việt sẽ không tìm thấy trong ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ biến hình cuả Ấn-Âu, trong đó ba cấp độ đơn vị kể trên hoàn toàn không trùng nhau. Câu nói "I climbed the grapefruit tree picking some of its flowers" có 10 từ nhưng 13 âm tiết và 15 hình vị. Ba cấp đơn vị này được xem xét ở ba cấp độ ngôn ngữ khác nhau. Âm tiết / klaimd / có hai hình vị, và phải căn cứ vào hai hình vị đó mới hiểu đúng ý nghiã cuả từ 'climbed'; do vậy, cấp bậc âm tiết trong ngôn ngữ Ấn-Âu là một cấp độ phân tích không đầy đủ. Trong các ngôn ngữ như thế, việc phân tích âm vị sẽ có vai trò khá quan thiết: âm vị / d / ở sau âm tiết vưà kể là một âm vị không thể bỏ qua, vì nó là cơ sở cuả phân xuất hình vị chỉ thì quá khứ cuả động từ 'trèo' trong tiếng Anh. Vai trò cuả âm tiết trong loại hình ngôn ngữ Ấn-Âu không có ý nghiã âm vị học đặc biệt, cho nên trong một công trình ngữ âm học về tiếng Anh trước đây, Chomsky và Halle (1968) đã không hề nhắc nhở gì đến âm tiết cả. Vai trò cuả âm tiết trong tiếng Việt có khác với âm tiết trong các ngôn ngữ Ấn-Âu. Mỗi âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc ổn định, và là cơ sở để phân xuất các thành phần cấu tạo trực tiếp. Trước khi tiếp xúc với phương tây, việc tìm hiểu "tiếng" cuả chúng ta theo truyền thống âm vận học Trung Hoa mà phân xuất một "tiếng" là hai thành phần: khuôn thanh (thanh mẫu) và khuôn vần (vận mẫu). Ví dụ: tiếng bàn gồm thanh mẫu là b- và vận mẫu là -àn. Việc chiết xuất một "tiếng" ra hai thành phần như thế có ý nghiã rất lớn trong giáo dục từ hàn, vì kiến thức về vận mẫu là cơ sở để gieo vần trong thi (thơ ca) và phú (văn biền ngẫu).

2 Các nhà âm vận học Trung Hoa về sau còn chia khuôn vần thành các nhiếp và tứ thanh. Nhiếp là những vận bộ có âm cuối như nhau, có âm chính giống hoặc gần giống nhau. Tứ thanh là hệ thống thanh thuộc khuôn vần. Tứ thanh gồm có thanh "bình" (bằng), "thượng" (lên), "khứ" (đi), "nhập" (vào). Thanh "nhập" là những thanh đi với các âm cuối nhập ( tức là các âm /-p,-k, -ch, -t/.) Hệ thống tứ thanh lại chia hai bậc bổng trầm mà các nhà âm vận học Trung Hoa gọi là bậc "thanh" (trong) và "trọc" (đục). Hệ thống thanh có thể sắp xếp như sau: Bình Thượng Khứ Nhập Phù thanh ngang thanh hỏi thanh sắc khứ thanh sắc nhập Trầm thanh huyền thanh ngã thanh nặng khứ thanh nặng nhập Tuy vậy, việc tìm hiểu âm vận học Trung Hoa thời cổ chưa giải quyết những mỗi quan hệ bên trong cấu trúc cuả các "tiếng". Khi bắt đầu cuộc giao tiếp với phương tây, việc tìm hiểu ngữ âm tiếng Việt tiến sang một hướng khác. Hệ thống chữ viết theo mẫu tự Latin đã dẫn đến sự kiện là "chữ quốc ngữ" là một hệ thống chữ viết ghi âm là một thuận lợi, cộng thêm vào đó là những thuận lợi về những tiến bộ cuả việc nghiên cứu ngữ âm cuả phương tây. Các nhà ngữ âm đã có những cố gắng mô hình hoá các quy tắc chung về hoạt động cuả âm tiết (Hyman, 1975: 189). Những quy tắc đó có thể được diễn giải khác nhau, nhưng chúng không ngoài một số tính cách chung sau đây: âm tiết phải có tính vang; mỗi âm tiết phải có bộ phận hạt nhân gồm ít nhất một nguyên âm; âm tiết luôn có khuynh hướng tăng khả năng kết hợp cuả âm đầu, và khuynh hướng hạn chế khả năng kết hợp cuả âm phụ cuối. Ðiạ vị cuả âm tiết trong phân tích âm vị học phương tây đã trải qua nhiều thăng trầm, với rất nhiều quan điểm khác biệt nhau. Ngoại trừ một trường hợp duy nhất là Chomsky và Halle (1968) trong đó âm tiết không hề được nhắc đến một cách minh nhiên, nhìn chung thì các khuynh hướng khác nhau đều có chú ý đến vai trò cuả âm tiết trong phân tích ngữ âm-âm vị học. 2. Âm tiết là một cấu trúc, nghiã là một tổng thể được cấu tạo từ các đơn vị âm thanh, gọi là âm vị. Mỗi ngôn ngữ có thể chọn lưạ trong kho âm vị tự nhiên cuả ngôn ngữ loài người, để lập riêng cho mình một hệ thống âm vị phù hợp với lối phát âm của ngôn ngữ mình sử dụng. Các âm vị trong tiếng Việt có ba loại: nguyên âm, phụ âm và thanh. Nguyên âm và phụ âm là những âm vị tuyến tính, nghiã là những âm vị kết hợp với nhau theo trật tự trước sau trong quá trình phát âm. Chúng là những âm vị có thể phân tách ra thành từng đơn vị nhỏ hơn, nên còn gọi là những âm vị đoạn tính. Trái với loại âm vị trên, thanh là âm vị phi tuyến tính, vì nó là một âm vị bao trùm toàn bộ âm tiết, và gắn liền với âm tiết trong suốt quá trình phát âm một âm tiết. Thanh không thể chiết ra khỏi âm tiết được, mà nhất thiết là nó phải gắn với âm tiết, vì thế nên thanh còn gọi là âm vị siêu đoạn tính.

3 Tóm lại, âm tiết, hay "tiếng" cuả tiếng Việt là một đơn vị cuả lời nói nhưng âm tiết tiếng Việt cũng là một đơn vị ngôn ngữ. Âm tiết là một chỉnh thể ngữ âm. Âm tiết là cơ sở phân tích cấu trúc kết hợp các âm vị, nhưng chính âm tiết là một chỉnh thể đơn vị nhỏ nhất cuả phân tích lời nói. II. Các quan điểm về cấu trúc âm tiết Cho đến nay, trong truyền thống phân tích ngữ âm phương tây, có ít nhất là năm quan điểm khác nhau về cấu trúc nội tại cuả âm tiết. Sau đây là phác hoạ các mô hình cấu trúc âm tiết: (a) cấu trúc CV, nghiã là không có thành phần kết cấu theo tầng bậc, mà chỉ có các thành phần cấu tạo trực tiếp nên âm tiết, tức là các âm vị nguyên âm (V=vowel) và phụ âm (C=consonant). Ðiển hình cho quan điểm cấu trúc phẳng là mô hình các cấu trúc âm tiết gọi là phổ biến cho mọi ngôn ngữ, do Clements & Keyser (1983) đề nghị trong công trình quan trọng cuả hai ông: Loại 1: CV Loại 2: V Loại 3: CVC Loại 4: VC Trong số các tác giả Việt Nam, có Lê Văn Lý (1948) cũng dùng công thức như vậy khi mô tả các âm tiết tiếng Việt. (b) cấu trúc phân nhánh, gồm có ba nhánh với các thành phần cấu tạo liên quan đến từng nhánh. Theo mô hình này, âm tiết cấu trúc như sau (theo McCarthy, 1979, Vennemann, 1984): phần chính cuả âm tiết là tổ hợp cuả phần âm mở đầu và phần hạt nhân cuả âm tiết, phần phụ là phần còn lại cuả âm tiết: Hình 1: Mô hình âm tiết có cấu trúc tầng bậc Mô hình cấu trúc phân nhánh còn được thể hiện theo chiều ngược lại: trước hết là phân lập giưã phần đầu cuả âm tiết và phần còn lại cuả nó là phần vần, kế đó là phân lập giưã hai thành phần cuả vần là phần hạt nhân và phần cuối vần. Ðây là mô hình cấu trúc âm tiết được các nhà âm vận học Trung Hoa áp dụng, chẳng hạn các học giả đời Tống khi biên soạn bộ Ðẳng Vận Thư. Mô hình này được trình bày trong Chao (1948) và Karlgren (1954), Pike & Pike (1947), Halle & Vergaud (1978), Selkirk (1982). Dưới đây là mô hình cuả Pike & Pike (1947):

4 Hình 2 : Cấu trúc âm tiết theo Pike & Pike (1947) Mô hình âm tiết này về sau đã trở thành một công thức quen thuộc trong các sách giáo khoa ngữ âmâm vị học, với một vài thay đổi tên gọi. Chẳng hạn, thành phần gọi là "hạt nhân" trong sơ đồ cấu trúc cuả Pike đã chuyển thành "vần", và thành phần "cao điểm" nay thường gọi là "hạt nhân" trong sơ đồ âm tiết được dùng hiện nay. Hình 3: Sơ đồ cấu trúc âm tiết đã điều chỉnh từ sơ đồ cuả Pike (c) cấu trúc phân nhánh hình rẽ quạt: mô hình này đưa ra thành phần cấu thành âm tiết xếp hàng ngang nhau. Mô hình này cũng được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng, như Hockett (1955), Haugen (1956), Davis (1985), Noske (1992), Hall (1992). Mô hình rẽ quạt thường được trình bày như sau: Hình 4 : Mô hình âm tiết có cấu trúc rẽ quạt (d) cấu trúc "Mora" (là các yếu tố có ý nghiã âm vị học trong âm tiết, xét từ quan điểm mệnh danh là ngữ âm học cân phương - metrical phonology). Các nhà ngữ âm học Hyman (1985), McCarthy & Prince (1986), Hayes (1989) đã dùng mô hình này để phân tích âm tiết cuả các ngôn ngữ có nhiều dấu nhấn (như tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Phần Lan), mà những sơ đồ âm tiết quen thuộc xưa nay đều không biểu hiện được. Cấu trúc 'mora' sẽ làm nổi lên những yếu tố mang trọng âm hay kéo dài hơn so với những yếu tố khác. Dưới đây là một thí dụ về mô hình cấu trúc âm tiết với các 'mora' (Hayes, 1989):

5 Hình 5: Mô hình âm tiết 'mora' Những mô hình cấu trúc âm tiết trên đây dù có khác nhau chi tiết, nhưng đều có một điểm chung là: chúng chỉ nhằm mô tả các cách kết cấu âm vị trong âm tiết, và quan trọng hơn nưã là âm tiết trong những trường hợp này chỉ là một cấu trúc trung gian giưã các âm vị và các cấu trúc ở các cấp độ trên âm tiết, là "từ". Một điểm nưã là các mô hình cấu trúc âm tiết trên đây không có chỗ đứng cho các yếu tố kết hợp bên ngoài yếu tố liên hợp (chẳng hạn các mối quan hệ tiếp hợp trong âm tiết, hoặc là thanh điệu). Do vậy, các mô hình cấu trúc âm tiết này chỉ là mô hình cuả một loại hình ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ đơn tiết, trong đó âm tiết có vai trò trung tâm cuả phân tích âm vị học. III. Ðiểm lại một số quan điểm về âm tiết tiếng Việt Tiếng Việt và các ngôn ngữ thuộc loại hình cách thể, trong đó mỗi âm tiết là một đơn vị hoàn chỉnh đứng độc lập, và là một đơn vị cuối cùng trong việc phân xuất các đơn vị cuả lời nói. Một đặc tính quan trọng khác cuả âm tiết tiếng Việt là nó có thanh điệu -hiểu là một yếu tố có giá trị ngữ âm quan yếu trong việc phân biệt các âm tiết với nhau. Không thể có âm tiết tiếng Việt hoàn chỉnh mà không có yếu tố thanh điệu. Thanh là một âm vị phi tuyến tính, nó xuất hiện cộng thời với các âm vị tuyến tính để làm thành một chỉnh thể là âm tiết tiếng Việt. Những mô hình cấu trúc âm tiết chỉ ghi lại các âm vị tuyến tính đều tỏ ra không phản ảnh đúng âm tiết tiếng Việt, trong đó thanh có vai trò rất khác biệt yếu tố điệu tính cuả ngôn ngữ Ấn Âu. Chẳng hạn, khi muốn đưa thanh điệu vào cấu trúc âm tiết tiếng Việt biển /biẻn/, quan điểm ngữ âm phi đoạn trình bày một mô hình nhiều lớp như sau: lớp thứ nhất có thể gọi tên là tầng khung, trình bày mô hình âm tiết; lớp thứ nhì đi vào chi tiết về mặt âm điệu cuả âm tiết, có thể gọi tên là tầng âm đoạn cho thấy các âm tố phân bố trong cấu trúc như thế nào; lớp thứ ba ghi lại các âm tố xếp đặt theo trật tự tuyến tính cuả âm tiết, gọi là tầng chiết đoạn; lớp cuối cùng là tầng ngôn điệu, thể hiện tuyến điệu cuả thanh trong âm tiết như thế nào.

6 Hình 6: sơ đồ âm tiết biển Mô hình như trên cho thấy đường nét cuả thanh trong âm tiết là đường nét cao-thấp-cao (HLH), nhưng mặt khác lại không cho thấy được tính cách cụ thể cuả thanh 4 (thanh hỏi), và vị trí cuả nó trong toàn bộ sáu thanh cuả tiếng Việt ra sao. Nói cách khác, mô hình âm tiết như trên vẫn không thể hiện được thanh điệu cuả loại ngôn ngữ có thanh. Từ những đặc tính trên đây cuả âm tiết tiếng Việt, việc xác định cấu trúc cuả âm tiết là một phần việc quan trọng không chỉ có ý nghiã đối với nghiên cứu ngữ âm học, mà còn rất có ý nghiã về mặt giáo dục, cụ thể là việc dạy học tiếng Việt cho trẻ ở giai đoạn đầu tiên. 1. Trong công trình nghiên cứu về tiếng Việt, Lê Văn Lý bàn về các cách kết hợp cuả âm vị tiếng Việt thành những âm hiệu có ý nghiã, tức là một âm tiết (1948: 42). Và ông cho rằng có bốn loại âm hiệu tiếng Việt như sau (1948:123): 1. Chỉ có nguyên âm; 2. Nguyên âm + Phụ âm; 3. Phụ âm + Nguyên âm 4. Phụ âm + Nguyên âm + Phụ âm. Mặc dù thưà nhận rằng mỗi âm hiệu tiếng Việt chỉ có thể mang một thanh (tr.126), tác giả vẫn cho rằng mỗi âm hiệu tiếng Việt không thể có quá ba âm vị. Sở dĩ thế là vì ông cho rằng thanh chỉ là một yếu tố ngôn điệu như trong ngữ âm tiếng Ấn Âu, và do vậy không phải là một âm vị gắn liền với âm tiết. Nói các khác, âm tiết tiếng Việt -theo như mô tả trong Le Parler Vietnamien - chỉ gồm ba âm vị tuyến tính như được ghi lại trên kia. Trong một công trình khác xuất bản hai mươi năm sau, Lê Văn Lý vẫn ghi lại đúng những quan niệm cuả ông như đã từng bàn đến trong tập trước. (Lê 1968: 21-24). Vì lẽ đó chúng tôi xếp quan điểm cuả ông vào quan điểm mô tả theo cấu trúc CV hiểu theo nghiã rằng quan điểm cuả tác giả là chỉ chú trọng đến các yếu tố tuyến tính mà bỏ ra ngoài các yếu tố phi tuyến tính: Loại 1: V Loại 2: VC Loại 3: CV Loại 4: CVC

7 Nguyễn Bạt Tuỵ cũng bàn về âm tiết, mà ông gọi là "vần". Tác giả định nghiã "vần" là một hay nhiều âm cùng phát ra một hơi mà lập thành một tiếng hay một phần tiếng. Ông cũng lưu ý độc giả là đừng nên lẫn với "vận" -là sự trở lại cuả cùng một âm ở cuối hai hay nhiều câu thơ. (Nguyễn 1949: XII). Khi mô tả các dạng kết hợp "vần", tác giả cho rằng "vần" tiếng Việt có ba loại lớn (sđd: 78-85): 1. vần chính là vần có toàn âm chính ghép thành; 2. vần bán là vần do âm chính và âm bán ghép thành; 3. vần phụ là vần do âm chính và âm phụ, hay âm chính, âm bán và âm phụ ghép thành. Tác giả có bàn về việc ghép thanh vào mỗi "vần", nhưng quan niệm cuả ông không thật rõ ràng. Một đằng tác giả vẫn cho rằng thanh gắn liền với âm chính, và ông cho các âm chính mang thanh khi ghép "vần"; đằng khác, khi phân loại các "vần" thì ông lại chỉ nhắc đến ba thành phần âm vị là âm chính, âm bán, âm phụ mà thôi, nghiã là các âm vị tuyến tính -nếu nhìn từ quan điểm ngữ âm học loại hình ngôn ngữ Ấn Âu. Trong những buổi đầu cuả ngữ âm học tiếng Việt, một tác giả khác cũng bàn về cấu trúc âm tiết tiếng Việt, là Emeneau (1951). Ðáng chú ý là tác giả nhận ra là từ cuả tiếng Việt trong nhiều trường hợp đã trùng khít với âm tiết. Và vì thế, từ có thể là một hạt nhân chủ yếu gồm một trong nhóm cuả 11 nguyên âm, hay những kết hợp khác nhau cuả hai hay ba âm vị cuả nhóm đó. Trước phần hạt nhân này có khi không có gì, hoặc là có một trong 21 âm vị phụ âm. Sau phần hạt nhân có thể không có gì (một số tổ hợp nguyên âm không cho thêm gì nưã cả), hoặc là có một trong 8 phụ âm mà trong đó có 7 tương tự với nhóm 21 phụ âm đầu. Tác giả cũng nhắc đến vai trò cuả thanh điệu, và cũng nhận thấy là các tổ hợp âm vị đều có một trong 6 thanh và trọng âm đặt ở nguyên âm đầu hay nguyên âm thứ nhì. Tuy vậy, sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt được tác giả mô tả là một tổ hợp cuả "phụ âm + nguyên âm + phụ âm". Ðiều đó cho thấy quan điểm cuả tác giả vẫn không ra ngoài quỹ đạo cuả quan điểm ngữ âm Ấn Âu, xem âm tiết chỉ là một kết hợp cuả những âm vị tuyến tính mà thôi. Laurence Thompson (1965) là người tiếp thu những biện giải cuả các tác giả trường phái Nga (như Andreev và Gordina) nhưng đã đẩy xa hơn mà nhìn nhận vai trò cuả thanh điệu như là một thành phần không thể thiếu trong kết cấu âm tiết tiếng Việt. Ông nhận ra cấu trúc âm tiết tiếng Việt chỉ đơn giản là một kết cấu gồm ba thành phần: âm đầu + hạt nhân + thanh điệu, trong đó hạt nhân là nguyên âm và bất kì âm vị nào đi theo sau nó. Ở điểm này, tác giả không nói thêm là "hạt nhân" cuả âm tiết có phải là một kết hợp bậc hai cuả cấu trúc, hay chỉ là sự mở rộng cấu trúc ba phần đó. Chỗ khác ông lại cho thấy rằng một âm tiết có ít nhất là một nguyên âm và một thanh. (Thompson 1965:45). Sau đó, khi mô tả cấu trúc cuả thành phần hạt nhân âm tiết, tác giả cho biết là hạt nhân âm tiết tiếng Việt có thể là gồm một yếu tố (một nguyên âm), hoặc hai yếu tố (bao gồm một nguyên âm và một bán âm hay một phụ âm cuối), cũng có thể là một kết cấu ba yếu tố (gồm một nhóm nguyên âm và một phụ âm cuối). Tác giả không trình bày thêm về mối quan hệ thứ bậc cuả các "yếu tố" vưà nêu đối với cấu trúc âm tiết. Mặc dù vậy, đây là một bước tiến rất lớn trong việc tìm hiểu âm tiết tiếng Việt. Ít ra là cũng từ đây đã hình thành một quan điểm khác về cách nhìn cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Các tác giả đi sau vẫn thường nối tiếp ông mà phát triển thêm quan điểm cho rằng âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc hai bậc:

8 Hình 7: Cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo tầng bậc Cấu trúc âm tiết tiếng Việt được mô tả như trên tỏ ra rất khớp với khuôn mẫu chung cuả âm tiết mà Pike lập ra, chỉ khác chăng là ở mô hình Pike đưa ra trước kia không có yếu tố thanh điệu. 2. Trong số những tác giả người Việt nghiên cứu về âm tiết tiếng Việt có Nguyễn Quang Hồng chủ trương khác hẳn các tác giả khác. Trong một bài nghiên cứu dưạ theo luận án đệ trình năm 1974, tác giả dưạ trên cơ sở tiếng Việt và tiếng Hán mà chủ trương rằng tiết vị (syllabème) là đơn vị âm thanh cơ bản cuả ngôn ngữ. Ông có nhận xét về tính cách khác biệt cuả hai loại hình ngôn ngữ Ấn Âu và ngôn ngữ đơn tiết: trong khi ở các ngôn ngữ loại trên những đơn vị cơ bản cuả ngôn ngữ là âm vị, các ngôn ngữ loại dưới lấy âm tiết làm đơn vị phân tích cuối cùng. Ông theo truyền thống âm vận học Trung Hoa và các nhà đông phương học Nga mà xem âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc chung, "đơn nhất" - hiểu theo nghiã cuả tác giả là một đơn vị phân tích ngữ âm nhỏ nhất, một tiết vị. Tác giả cho rằng âm tiết tiếng Việt chỉ gồm có hai yếu tố cấu thành, là khuôn thanh và khuôn vần, kết hợp nhau theo thế lưỡng phân. Khuôn thanh có thể vắng mặt, nhưng khuôn vần luôn luôn có mặt. Khuôn thanh và khuôn vần lại có thanh điệu là yếu tố siêu đoạn tính thực hiện chức năng khu biệt các hình tiết; ngoài ra, hình tiết tiếng Việt còn một dạng âm sắc rất đặc biệt, gọi là "hô". Tác giả cho một vài trường hợp thí dụ về "hô": sự đối lập rõ rệt về "hô" (khai khẩu/hợp khẩu) trong các cặp âm tiết như kè-què, lan-loan, xiênxuyên... và nói thêm là thanh và hô chỉ là những yếu tố phụ trợ, khi thì gắn liền với khuôn vần, khi thì với khuôn thanh, có khi gắn với cả hai. (Nguyễn 1976: 36). Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo Nguyễn Quang Hồng là: khuôn thanh thanh hô khuôn vần Hình 8: Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo Nguyễn (1976) Quan điểm về âm tiết là đơn vị cơ bản cuả tiếng Việt thật ra đã được biết đến từ sớm hơn thế. Cao Xuân Hạo đã trình bày "quan điểm phi đoạn về âm vị và cấu trúc âm tiết tiếng Việt" (1965), trong đó ông đã khẳng định là "âm vị tự bản chất là phi đoạn". Tác giả đã nêu ra ba yếu tố cuả âm tiết phát sinh đồng thời: thanh điệu, âm chính và tính chất cuả mối quan hệ cấu âm. Sự kết hợp phi tuyến tính như vậy cho thấy là âm tiết tiếng Việt không phải là một kết hợp cùng tính chất như trong các ngôn ngữ ấn âu. Trong một công trình quan trọng về cấu trúc âm tiết tiếng Việt ra đời mười năm sau, Cao (1975) lại khẳng định tính không phân lập cuả âm tiết tiếng Việt. Ông đưa ra một minh hoạ về tính cách phi đoạn cuả âm tiết tiếng Việt so sánh với âm tiết ấn-âu qua thí dụ về một âm tiết [lun] như sau:

9 Hình 9: sự khác biệt về cơ cấu cuả hai loại hình âm tiết Trong bài nghiên cứu in trong tập san E'tudes Vietnamiennes 40 (1975), Hoàng Tuệ & Hoàng Minh đưa ra một cấu trúc tầng bậc, trong đó đáng chú ý là tác giả đưa mối quan hệ kết hợp giưã âm chính và âm cuối vào trong sơ đồ cấu trúc. Khi thưà nhận vai trò khu biệt âm tiết cuả yếu tố tuyến điệu trong cấu trúc âm tiết (thanh điệu và quan hệ kết hợp) là thưà nhận những yếu tố phi tuyến tính bên cạnh những kết hợp tuyến tính cuả các âm vị tiếng Việt. Ðây là một điểm mới trong nghiên cứu tiếng Việt. Hình 10: Cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo Hoàng & Hoàng (1975) Quan điểm phi đoạn về âm tiết tiếng Việt về sau được kết tập trong một công trình lí thuyết quan trọng cuả Cao Xuân Hạo, Phonologie et Linéarité (1985). Lí thuyết phi đoạn về âm tiết tiếng Việt có ý nghiã lớn ở chỗ đã nêu lên được tính cách đặc thù cuả âm tiết tiếng Việt so sánh với các ngôn ngữ loại hình khác. Mặc dù những đóng góp quan trọng về lí thuyết ngữ âm học phi đoạn, cho đến nay, các nhà ngữ âm Việt Nam dường như vẫn dừng lại ở việc mô tả âm tiết tiếng Việt theo quan điểm "truyền thống", là quan điểm chính thống dưới đây. 3. Hiện nay quan điểm tầng bậc về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vẫn còn đang là một thứ quan điểm "chính thống". Ðó là quan điểm được trình bày trong cuốn sách giáo khoa về ngữ âm tiếng Việt cuả Ðoàn Thiện Thuật (1977). Tác giả trình bày sơ đồ cấu trúc âm tiết trên dưới hai dạng: biểu đồ hình cây và hình hộp. Dưới dạng hình hộp, sơ đồ cấu trúc cuả tác giả cho thấy rõ tính cách bao trùm cuả thanh điệu lên toàn bộ cấu trúc âm tiết:

10 Hình 11: Cấu trúc âm tiết tiếng Việt theo Ðoàn (1977) Tác giả chỉ chú trọng lên sơ đồ các âm vị tuyến điệu và phi tuyến điệu kết hợp thành âm tiết mà xem các mối quan hệ là một yếu tố bên ngoài thành phần âm vị. Trong sơ đồ cấu trúc cuả tác giả, những âm tiết khởi đầu bằng một nguyên âm như dạng dưới đây: (a) nguyên âm + thanh: A! O! Ơ! Uả! và (b) nguyên âm + thanh + phụ âm cuối: Ấy! Ối! được tác giả xem như là các âm tiết có "âm đầu zéro" về mặt biểu hiện ra chữ viết, nhưng tác giả lại cho rằng các âm tiết đó thật ra vẫn có âm đầu - ở đây là âm tắc hầu / Z / đứng làm âm đầu. Một nét khác biệt nưã là thành phần âm đệm cuả âm tiết nay đã trở thành một bộ phận vần cuả âm tiết. Quan điểm về cấu trúc âm tiết tiếng Việt trình bày trong quyển Ngữ Âm Tiếng Việt (1977) đã trở thành quen thuộc trong học giới trong vòng hai mươi năm qua. Quyển sách này được xem là một thứ "kinh điển" để tham khảo nghiên cứu và giảng dạy ở trong nước. IV. Lướt qua những quan điểm khác nhau về mô hình cấu trúc âm tiết tiếng Việt cuả các tác giả trên đây, có thể thấy rằng chúng phản ảnh đà tiến chung cuả việc nghiên cứu âm tiết nói chung: sự phát triển việc tìm hiểu âm tiết tiếng Việt từ Lê Văn Lý đến nay ghi nhận một sự phát triển từ quan niệm chỉ mô hình hoá những kết hợp cuả các âm vị tuyến tính (nguyên âm và phụ âm), đến sự quan tâm đến những yếu tố phi tuyến tính (thanh, mối quan hệ kết hợp giưã nguyên âm và phụ âm cuối). Tuy nhiên, cho đến nay, các sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt kiểu tầng bậc đều tỏ ra còn lúng túng về một số điểm lớn, khiến cho việc mô tả cấu trúc âm tiết tiếng Việt chưa giàu tính thuyết phục. Những điểm còn cần tìm hiểu thêm có thể quy ra như sau: 1. âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc, nghiã là một chỉnh thể kết hợp từ những thành phần. Nhưng có bao nhiêu thành phần kết hợp mà thành? Cho đến nay, các tác giả có thể đồng ý với nhau về ba thành phần căn bản cuả âm tiết tiếng Việt, là thành phần đứng làm âm đầu, âm chính, âm cuối, và thanh điệu. Nhưng khi đi vào phân tích chi tiết, các quan điểm khác nhau là ở vấn đề dưới đây: 2. âm tiết tiếng Việt có thành phần gọi là âm đệm hay không? Trả lời câu hỏi này không tránh khỏi việc xem xét lại bản chất cuả hai âm vị thường gọi là bán âm /-u-/ và /-i-/.

11 3. Mối quan hệ giưã các thành phần trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt là mối quan hệ tầng bậc hay là mối quan hệ ngang hàng? Có thể mô hình hoá vị trí cuả các âm vị tuyến điệu được không? Dưới đây là một số đóng góp thảo luận về ba câu hỏi trên đây. Ðể trả lời câu hỏi 1, chúng ta sẽ thảo luận về vai trò cuả vần trong cấu trúc âm tiết. Câu hỏi 2 dẫn đến việc xem xét lại hệ thống nguyên âm tiếng Việt -là loại âm vị đảm nhận vai trò âm chính trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và hệ thống phụ âm cuối cuả tiếng Việt. Câu hỏi 3 sẽ đặt trong phạm vi vấn đề vai trò cuả thanh điệu và mối quan hệ kết hợp bên trong âm tiết. Vần cuả âm tiết? Khi đưa ra mô hình cấu trúc âm tiết hai bậc (Hình 7, 10 và 11), có tác giả đã lập luận rằng đây là một cấu trúc có thật trong cảm nhận cuả người bản ngữ, và như vậy nó là một cấu trúc tự nhiên (Cao, 1985). Việc nhận biết vần cuả tiếng Việt như vậy là sự nhận biết từ cấu trúc khái quát hoá trong tâm lí cuả người bản ngữ. Bảo rằng vần của âm tiết tiếng Việt là một thành phần cấu trúc có thật trong tâm thức của mỗi người bản ngữ có nghiã rằng vần cuả âm tiết không phải là tính cách cuả chính tả, nếu nhớ rằng chữ viết ô vuông cuả tiếng hán và kiểu chữ nôm cuả tiếng Việt trước kia cũng đều không cản trở việc gieo vần trong phép làm thơ phú; mà việc nhận ra vần là một việc cần thiết để có thể tập làm câu đối, làm thơ phú, nghiã là một phần rất quan trọng trong giáo dục trường quy. Cảm nhận tự nhiên về 'khuôn vần' trong tâm lí người bản ngữ là một tri giác ngôn ngữ chung cho mọi ngôn ngữ. 'Khuôn vần' âm tiết loại hình ngôn ngữ đơn tiết thì đã được các nhà âm vận học quan tâm ở Trung Hoa và Việt Nam cổ đại. Khuôn vần là phần còn lại cuả âm tiết khi đã tách khỏi âm đầu. Dùng khái niệm ngữ âm ngày nay thì có thể nói: khuôn vần là tập hợp cuả âm chính, âm cuối (hai âm vị tuyến tính) và thanh điệu (âm vị phi tuyến tính) cuả một âm tiết. Sự nhận biết khuôn vần rất can hệ đối với việc gieo vần trong phép làm thơ, vì gieo vần chính là sự thực hành phép hoà phối ngữ âm trong nghệ thuật thi ca vậy. Khái niệm 'khuôn vần' như thế có phần khác với 'vần' trong thuật ngữ ngữ âm phương tây, vì vần cuả âm tiết các ngôn ngữ kia chỉ là kết hợp cuả hạt nhân âm tiết và phần âm cuối, là hai loại âm vị tuyến tính mà thôi. Cho dù có đồng nhất hai khái niệm vần cuả âm tiết và 'khuôn vần' trong âm vận học cổ điển phương đông thì vẫn hãy còn một vấn đề cần xem xét: đâu là lằn ranh phân cách khuôn vần và thành phần bên cạnh nó? Chúng ta thường cho rằng khuôn vần là phần còn lại cuả âm tiết ở sau phần âm đầu. Ngay trong số các tác giả nghiên cứu ngữ âm loại hình ngôn ngữ Ân Âu cũng đã thấy quan niệm khác về thành phần gọi là hạt nhân âm tiết. Sơ đồ cấu trúc âm tiết cuả họ đã đưa thành phần âm đầu và âm chính vào hạt nhân cuả âm tiết. Vậy thì cấu trúc vần có phải là một cấu trúc cố định, hay chỉ là những kết hợp lâm thời? Nhưng những cứ liệu tâm lí ngôn ngữ cho thấy là 'khuôn vần' có thể có hơn một lằn ranh phân cách. Trẻ con không quan niệm học vần theo như những quy định truyền thống. Chúng tôi ghi nhận được một số cách ghép vần cuả một số cháu bé Việt Nam, theo những mô hình như sau:

12 Hoạt động ghép tiếng cuả trẻ trong trường hợp kể trên là từ một âm tiết mở tiến về một âm tiết khép, đúng theo tiến trình học tập phát âm tự nhiên cuả tâm lí ngôn ngữ. Thưà nhận rằng ý niệm vần là một tri thức tự nhiên, thì cũng không vì thế mà bảo là vần cuả âm tiết tiếng Việt là khối cấu trúc chặt chẽ đối lập với thành phần âm đầu. Hiện tượng nói lắp khiến cho một người Việt có thể nói tiếng lốp thành chuỗi âm /le-le-le-lop/, nhưng một người Nga nói lắp thì có thể nói tiếng lob thành một chuỗi /lo-lo-lo-be-be-be/. Sở dĩ thế là vì lằn ranh phân cách các bộ phận cuả âm tiết không nhất thiết là cố định, và người nói không thể phát âm theo dạng phân xuất C+VC [C: phụ âm-v: nguyên âm] như một người Việt, mà lại phân xuất CV+C (Cao, 1985:194). Vậy thì sự nhận biết vần cuả âm tiết tiếng Việt là thuộc về nhận thức về mặt cấu trúc hay về mặt tâm lí? Khái niệm cấu trúc chìm và cấu trúc nổi cuả Chomsky cho đến nay vẫn chỉ dùng trong ngữ pháp tạo sinh. Nhưng nếu hiểu cấu trúc chìm quyết định ý nghiã cuả câu và cấu trúc nổi hiểu như là yếu tố ngữ âm, thì hai tầng cấu trúc này là những tầng bậc không chỉ riêng gì cho cú pháp, mà là những phạm trù phổ biến cho cả các lĩnh vực khác cuả ngữ pháp. Khái niệm "yếu tố quyết định ý nghiã cuả câu nói" trong ngữ pháp bao hàm ý niệm khái quát về những yếu tố được nhận thức trong hoạt động ngôn ngữ nhưng không minh nhiên biểu hiện trên cấu trúc vật lí cuả âm thanh. Vần là hạt nhân cuả âm tiết, là yếu tố quyết định tính âm tiết cuả âm tiết; do vậy nhận thức về vần nằm ở cấu trúc tâm lí ngôn ngữ (cấu trúc chìm) cuả âm tiết. Trong khi đó, kết hợp âm vị cuả âm tiết dù có phân thành nhiều đẳng trật, vẫn là cấu trúc nổi cuả âm tiết, là những biểu hiện về mặt ngữ âm. Và chính cái cấu trúc nổi đó là đối tượng cuả phân tích ngữ âm-âm vị học. Âm tiết /bàn/ có hai bậc cấu trúc mặt cấu trúc: bậc 1 gồm có thanh huyền T + âm đầu Ð + khuôn vần V, bậc 2 là cấu trúc của vần gồm có âm chính làm hạt nhân N + một âm cuối C, Về mặt ngữ âm, cấu trúc của âm tiết / bàn / chỉ gồm có những thành phần Ð + N +C T. Hai mô hình âm tiết dưới đây có thể cho thấy sự tương quan giữa hai cấu trúc này: Hình 12: Cấu trúc tâm lí ngôn ngữ và cấu trúc ngữ âm cuả âm tiết Ðể chứng minh bộ phận vần là một lớp cấu trúc có ý nghiã trong việc phân xuất âm tiết, các tác giả Việt Nam còn thường viện dẫn những phép thay thế thành phần âm vị cuả âm tiết trong các phép láy từ, phép nói lái, và phép tạo từ với vần /-iek/ mà họ gọi là phép -iêc hoá ( Vũ 1976: 42, Ðoàn 1977:84-85, Cao 1985: 194). Cả ba phép tạo từ này đều dùng biện pháp thay thế các âm vị trong một âm tiết. Khả năng phân xuất âm vị ở cả mọi thành phần cấu tạo âm tiết trong phép láy từ và phép nói lái cho thấy âm tiết chỉ là một cấu trúc chứ không phải một khối đơn vị âm thanh bất khả phân. Một điểm khá quan trọng liên quan đến phép láy và phép nói lái, là: có thể láy và nói lái cả bốn thành phần cuả âm tiết chứ không chỉ chiết xuất âm đầu và vần theo dạng đối lập C (VC) mà thôi như các tác giả trên vẫn thường biện luận (Võ,1982: 41-42).

13 Trước hết, hãy thử xét phép láy từ. Các sách ngữ âm thường dưạ vào lối phân xuất âm đầu vần để nói đến hiện tượng láy bộ phận âm đầu, láy vần, và láy thanh điệu. Trước hết, tách thanh ra khỏi khuôn vần là một thao tác không hợp lí, vì thanh là yếu tố gắn bó với khuôn vần này. Sau nưã là có nhiều từ láy không lắp lại toàn bộ vần mà chỉ một bộ phận của nó thôi: thòm thèm chẳng hạn, không lắp lại âm /e/ mà lại biến âm thành /o/. Xem vậy thì dùng khái niệm vần hay khuôn vần trong khi phân tích hiện tượng láy từ không tránh khỏi lúng túng. Quan sát các trường hợp láy từ sẽ dễ dàng nhận thấy không phải chỉ có một hai lối, mà có đến bốn cách láy: láy thành phần thanh điệu: bâng quơ (thanh - + -), lụng thụng (thanh %+%) láy thành phần âm đầu: đỡ đỡ đần láy thành phần âm chính: lét leo lét láy thành phần âm cuối: chúm chúm chím Chúng tôi thấy phải phân xuất âm tiết làm bốn thành phần thì việc phân tích hiện tượng láy trở thành sáng tỏ và rất hệ thống. Bốn thành phần này chính là bốn thành phần cấu thành một âm tiết tiếng Việt vậy. Trong các phép láy từ có phép lặp một thành phần cho thấy rõ tính cách kết hợp bình đẳng cuả các thành phần âm tiết. Ðến phép nói lái cũng vậy. Các tác giả giáo khoa ngữ âm tiếng Việt thường dưạ trên sự phân xuất âm đầu vần để phân tích hiện tượng nói lái.và họ không cho rằng nói lái con vịt thành vin cọt là hiện tượng bình thường (Ðoàn 1977). Thu thập các lối nói lái sẽ có thể nhận ra tính cách nhất quán và hệ thống của phép nói lái, theo đó thì có tối đa bốn cách nói lái, căn cứ trên sự hoán chuyển vị trí cuả các thành phần cấu thành cuả âm tiết. Chẳng hạn, có thể mượn lại hai ví dụ cuả Cao (1985:194) để thảo luận: đi trốn có thể lái thành: tri đốn (lái âm đầu), đô trín (lái âm chính), đin trố (lái âm cuối), trôn đí (lái thanh điệu); lính tây có thể lái thành: tính lây (lái âm đầu), lếnh ti (lái âm chính), lí tênh (lái âm cuối), tấy linh (lái thanh điệu). Cho nên, có thể nói một các chính xác rằng một ngữ đoạn hai âm tiết có thể láy bốn lối bằng cách chiết xuất một thành phần cuả âm tiết đó. Tóm lại, tự thân chúng, hai phép láy từ và nói lái chưa đủ để bảo rằng vần có vai trò nào trội hơn trong cấu trúc âm tiết. Có chăng chỉ là dưạ trên căn cứ này để nhận ra rằng âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần mà thôi. Có nhìn nhận vấn đề như thế mới không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng lái con vịt thành vin cọt mà các tác giả thường trích dẫn, bởi vì đó chỉ là một trong bốn cách hoán vị bốn thành phần âm tiết mà thôi. Phép -iêc hoá trong tiếng Việt là hiện tượng ngữ âm đáng chú ý. Trước hết, là sự kiện lắp nguyên tổ hợp -iêc để tạo một từ mới thì chỉ là một phép tạo ra một từ mới thuộc nhóm mà Durand gọi là "cảm từ" mới đặc biệt khác. Tổ hợp -iêc có khả năng ghép thành từ kép rất rộng, vượt khỏi lệ đối xứng về phát âm với các thành phần khác, như âm đầu, âm chính, thanh, và phụ âm cuối, lại càng không có trở ngại nào đối với các từ âm tiết mở đi kèm trước nó. Lợi thế về phát âm và kết hợp chính là một lí do vì sao tổ hợp -iêc trở thành một tổ hợp đặc biệt trong phép tạo từ kép. Thật ra thì trên bình diện ngữ âmâm vị học thuần tuý, chúng ta có hàng loạt đơn vị dưới bậc âm tiết như -iêc, nhưng không vì thế mà

14 phải viện dẫn những phân tích hình vị để nhằm nêu ra tính cách độc đáo cuả hiện tượng -iêc hoá mà các tác giả trường phái Nga đã theo chân Gordina trong bao lâu nay. Một số thí dụ dưới đây có thể là những gợi ý cho những minh hoạ khác về khả năng kết hợp và hoán chuyển âm vị trong cấu trúc âm tiết: đơn vị l- trong "lùm xùm", "lí lắc", "lăng xăng"..., k- trong "cà chớn", "cà ngơ", "cà ẹo", ba trong "ba trợn", "ba buá", "ba lăng nhăng", "ba bị"... trong những mô hình láy từ các phương ngữ miền trong. Khả năng kết hợp rộng cuả một số tổ hợp như tổ hợp -iêc chỉ có thể dẫn đến kết luận khiêm tốn là có một lằn ranh giưã thành phần âm đầu và phần còn lại cuả cấu trúc âm tiết. Nhưng như thế thì chưa đủ để xem lằn ranh giưã âm đầu và phần còn lại là có ý nghiã âm vị học cao hơn lằn ranh phân cách giưã thanh và ba âm vị khác, hoặc giưã các thành phần khác với nhau, như đã thể hiện trong hai phép láy từ và phép nói lái trình bày trên kia. Tóm lại, xét trên bình diện ngữ âm-âm vị học, chưa có luận cứ nào có đầy đủ tính cách thuyết phục về vai trò lớn cuả thành phần gọi là vần trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Căn cứ vào những biện giải về phép láy từ, phép nói lái và phép tạo từ với tổ hợp -iêc chỉ cho phép kết luận rằng: âm tiết tiếng Việt là một cấu trúc gồm bốn thành phần, trong đó hai thành phần làm nên âm tiết tính là không thể thiếu được, đó là âm chính và thanh điệu. Cả bốn thành phần này khi có mặt trong âm tiết thì đều có vai trò và chức năng ngang nhau trong âm tiết, mà phép láy từ và phép nói lái là những thể hiện các lối hoán chuyển vị trí các thành phần cuả cấu trúc âm tiết mà thôi. Có âm đệm trong âm tiết tiếng Việt hay không? Các công trình mô tả ngữ âm tiếng Việt trước nay thường tranh luận nhiều về một đơn vị ngữ âm thường xuất hiện giưã âm đầu và âm chính cuả âm tiết. Qua sự phân tích trên đây thì có thể thấy cấu trúc âm tiết bao gồm bốn thành phần. Nếu như vậy thì chỗ đứng cuả một thành phần gọi là âm đệm thường được nhắc đến trong các sách giáo khoa trước đây là ở đâu? Vấn đề được đặt ra ở đây là: âm tiết tiếng Việt có một thành phần nằm giưã âm hai phần âm đầu và âm chính hay không? Ðây là một vấn đề còn đương gây nhiều tranh cãi giưã các tác giả khi miêu tả âm vị học tiếng Việt. Có thể ghi nhận được ba giải thuyết chính về vấn đề này. (1) Hiện tượng thần âm hoá (môi hoá): Lê Văn Lý (1948, 1968) cho rằng hiện tượng chúm môi đi kèm với âm đầu là tính cách cuả âm đầu, và ông cho đó là hiện tượng "thần âm hoá" (labialisation). Tác giả cho rằng hầu hết các phụ âm đầu đều có hiện tượng thần âm hoá, và là một tính cách cuả phụ âm đầu chứ không phải là một nét khu biệt làm cho một phụ âm đầu có thể trở thành hai âm vị đối lập nhau về tính cách, chẳng hạn /t/ đối lập với /tw/. (2) Âm /w/ là bộ phận cuả một thành phần âm tiết: Phần đông các tác giả đều cho hiện tượng chúm môi đó là hiệu quả cuả một bán âm / -w- / chen giưã phụ âm đầu và nguyên âm. Emeneau (1951) xem âm /w/ là một âm vị hẳn hoi. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể xem vai trò cuả / w/ này là một vai trò nước đôi: hoặc là một phần cuả hạt nhân âm tiết, hoặc cũng có thể là một phần cuả cụm âm đầu. Cũng xem hiện tượng chúm môi này là hiện tượng 'môi hoá', các tác giả khác (Hoàng et al., 1962) lại kết hợp với quan điểm thứ nhì mà cho là chúng có tính cách nước đôi: có thể xem như là một tính cách cuả âm đầu, hoặc là một thành phần trước âm chính. Tác giả đưa ra công thức cuả âm tiết không có phụ âm đầu là WV, trong đó /w-/ là một âm vị đảm nhận vai trò như một âm đầu cuả âm tiết.

15 Bán âm này thuộc về âm đầu hay âm chính cuả âm tiết? Ý kiến cuả các nhà nghiên cứu khá phân tán: có ý kiến cho bán âm /-w-/ thuộc về âm đầu (Thompson 1965); những người khác lại xem bán âm /-w-/ là một âm vị riêng kèm theo sau phụ âm đầu (Hoàng & Hoàng 1975). (3) Âm chúm môi /-w-/ là âm vị độc lập, làm thành phần cuả âm tiết: một số các nhà nghiên cứu trường phái Nga (theo Ðoàn 1977), cho rằng âm /w/ là một âm vị riêng, có chức năng vai trò riêng trong âm tiết tiếng Việt: đó là những âm đệm nằm giưã thành phần âm đầu và âm chính cuả âm tiết. Và vì vậy, những âm tiết nào không có âm đệm thì chỉ là vì chúng có 'âm đệm zero' (Ðoàn 1977:187). Xem thế thì ý kiến cuả các nhà ngữ âm về vấn đề bán âm (hay âm đệm) /w/ rất khác biệt. Mỗi giải thuyết đều để lại rất nhiều vấn nạn chưa có giải đáp. Trước hết, xem /-w-/ là một hiện tượng thần âm hoá (môi hoá) mới chỉ là dưạ trên sự cấu âm mà chưa giải đáp rõ hơn để xác định hiện tượng cấu âm này là hiện tượng chính hay chỉ là phụ thứ. Nếu là hiện tượng ngữ âm chính và là một nét khu biệt cuả âm đầu hay âm chính, thì chúng phải được đưa vào hệ thống phụ âm đầu hay nguyên âm; nếu chỉ là hiện tượng ngữ âm phụ, một nét hoa mĩ cuả các âm đầu hay âm chính mà thôi, và như thế thì chúng không phải là thành phần âm tiết. Nói khác đi, giải thuyết thứ nhất không làm sáng tỏ vai trò cuả âm /-w-/ trong âm tiết. Quan điểm ngược lại, xem /w/ là thành phần cuả âm đầu cũng không đủ sức thuyết phục, vì lằn ranh giưã âm đầu và âm chính trong một số âm tiết cho thấy là hiện tượng chúm môi không nhất thiết thuộc về âm đầu: b-âng kh-uâng, l-ay h-oay, s-ượng s-ùng, th-uế th-iếc, l-ẩn q-uẩn... Một luận điểm khác cuả quan điểm này là sự biện biệt giưã âm /-w-/ trong âm tiết " quá" / kua / và "cuá" / kuó /. Tác giả cho rằng đó là hai âm vị khác nhau: âm /-u/ trong tổ hợp / -ua/ là một âm đệm, vì nó là một âm yếu hơn nguyên âm chính, và vì tính cách kết hợp cuả nó không bền vững mà có thể bị tách khỏi kết hợp (trong phép nói lái và -iêc hoá, âm /u-/ có thể tách khỏi tổ hợp /ua/). Trong khi đó thì âm / u-/ trong tổ hợp /uo/ là yếu tố cuả một âm đôi, vì nó có hai tính cách ngược hẳn: tính bền vững trong kết hợp, và là một âm tố mạnh cuả tổ hợp. (Ðoàn 1977:186, 197). Những biện giải về tính bền vững cuả các tổ hợp /ie/, /KC/, /uo/, và về tính mạnh yếu cuả âm /-u-/ trong các tổ hợp này và các tổ hợp âm chúm môi khác có thể là những ý kiến cần phải xem xét lại, vì không sát với thực tế. Thật ra, dữ kiện thực nghiệm đều xác nhận ý kiến cuả Lê Văn Lý là xác đáng: ông cho rằng yếu tố thứ nhì trong các tổ hợp /ie/, /KC/, /uo/ là những yếu tố cảm nhiễm thanh mạnh hơn (Lê 1948:44). Âm /-w-/ trong hai kết hợp /ua/ và /uo/ không có gì khác nhau cả: đường biểu diễn âm tiết đều cho thấy đỉnh cao cuả âm tiết là nguyên âm thứ nhì, trong khi âm /-w-/ chỉ là một đỉnh thấp hơn. Những cứ liệu thực nghiệm do chúng tôi thực hiện không cho thấy nét khác biệt về tính cách đệm hay tính cách âm đôi cuả âm /-w-/ này (Hình 13). Bảo rằng kết hợp cuả /-u/ trong các tổ hợp /ie/, /KC/, /uo/ là bền vững hơn các tổ hợp hai nguyên âm khác cũng thiếu cơ sở: trong phép láy, phép nói lái, phép -iêc hoá đều cho thấy là âm /u/ có thể bị tách ra khỏi tổ hợp như trong các tổ hợp khác:

16 Hình 13: Ðường biểu diễn phát âm hai âm "oa" và "uô" phép láy: lẩn quẩn = luẩn quẩn, lay hoay = loay hoay; phép nói lái: qua đấy quây đá - ca đuấy... ; cua đá ca đuá - qua đố phép -iêc hoá: thuế thiếc - * thuế thuyếc, nước niếc - * nước nuyếc, cua kiếc - *cua quyếc Tính cách tương đồng này không chỉ giưã hai âm /-w-/ đang bàn ở đây, mà còn phổ biến ở mọi tổ hợp hai nguyên âm tiếng Việt. Tất cả các cứ liệu thu nhặt được đều cho phép chúng tôi xem xét lại bản chất cuả âm thường gọi là bán âm /-w-/ và cả /-i-/ nưã. Những luận điểm trên đây cuả các tác giả đi trước hầu hết đã bị ảnh hưởng cuả lối nhìn nhận cuả ngữ âm học phương tây, mà ý kiến cuả Emeneau (1951) đã phản ảnh một cách đầy đủ. Tuy vậy, ít ra Emeneau còn tỏ ra phân vân nước đôi, mặc dù ông đã cố gắng nhiều để thoát ra ảnh hưởng cuả lối nhìn nhận âm tiết tiếng Việt theo quan điểm tây phương. Ông vưà nhận ra tính cách trượt từ âm đệm /w/ sang một nguyên âm thứ nhì ở vị trí trọng âm (các âm xếp vào loại từ âm sau-cao-tròn sang âm saukhông tròn- hay âm trước-không tròn: /u~dc~, u~a%, u~i, u~e, u~bf~/, hoặc các âm ông gọi là âm ba lên-xuống / u~dj, u~aj, u~a%j, u~au~, u~iu~, u~bu~/, nhưng ông lại cho rằng âm/-w-/ trong các tổ hợp / ud~, KD~/ là một âm mạnh. Chỉ có thể cắt nghiã rằng việc cảm nhận phát âm cuả một người nước ngoài đã dẫn tác giả đến những mâu thuẫn này. Một điểm vướng khác cuả lối nhìn hiện tượng /-u-/ như là một bán âm cuả phương tây, là các tác giả đều cố ý bỏ sót một 'bán âm' khác: /-i-/. Bán âm trong ngữ âm học là gì? Ðó là những âm rất phụ nhưng lại không đủ tính cách cuả một phụ âm mà lại rất gần tính cách một nguyên âm. Khi phát âm thì bán âm trượt nhanh từ một vị trí phát âm rất phụ và rất yếu đến vị trí một nguyên âm. Bán âm thường là / w / và / i /. Nhưng các bảng mô tả bán âm tiếng Việt thường cố tình quên bán âm trước / i / này. Một nhược điểm khác nưã mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết về nguyên âm, là các tác giả Việt Nam đều bị ảnh hưởng cuả lối phân tích nguyên âm kép (dipthong) theo nhãn quan phương tây, vốn xuất phát từ tập quán ngôn ngữ Ấn-Âu. Chính lối nhìn khiên cưỡng như thế đã hơn một lần dẫn nhà nghiên cứu đến một thủ pháp khiên cưỡng khác là xem những hiện tượng lạc ra ngoài mô hình cuả họ là 'âm vị zero'! Chúng tôi căn cứ trên cứ liệu thực nghiệm để đề nghị một giải thuyết mới về vai trò cuả các 'bán âm' (hay 'âm đệm' ), dưạ trên một lối nhìn nhận khác với tập quán ngôn ngữ phương tây. Vì thế mà chúng tôi đề nghị ở đây một mô hình cấu trúc âm tiết tiếng Việt đã không có thành phần thứ năm là các 'âm đệm'. Chúng tôi xem hiện tượng gọi là bán âm hoặc phụ âm cuối tròn môi / u-/ hoặc bẹt / i-/ không

17 phải là một đơn vị âm vị học độc lập với hệ thống nguyên âm và hệ thống phụ âm cuối, và do đó không thể xem là một thành phần riêng rẽ cuả cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Các âm này chính là một yếu tố làm thành một nguyên âm kép trượt tăng dần. Trong âm tiết, các nguyên âm trượt tăng dần này hoàn toàn có giá trị một âm vị làm thành âm chính cuả âm tiết. Thành phần âm chính có bao nhiêu âm vị? Một vấn đề đáng đặt ra cho ngữ âm tiếng Việt, là: tới chừng mức nào thì nguyên âm được thưà nhận là một âm vị? Nói cách khác, những tổ hợp nhiều nguyên âm trong một âm tiết là một âm vị hay nhiều hơn? Ðể trả lời câu hỏi đặt ra trên kia, trước hết cần lưu ý một điều là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều có hiện tượng nguyên âm ngắn và nguyên âm dài. Về mặt âm học, thì một nguyên âm dài dài xuýt xoát gấp đôi một nguyên âm ngắn, cho dù là tính cách cuả sự khác biệt còn tuỳ thuộc vào các yếu tố ngữ âm khác trong lúc phát âm. Nếu vấn đề dài/ngắn cuả một nguyên âm là hiển nhiên, thì vấn đề nguyên âm đơn hay nguyên âm kép sẽ có được nhìn nhận cùng một cách? Nguyên âm kép - hay có tác giả gọi là nhị trùng âm (Lê, 1968)- thường được hiểu là "hai nguyên âm đi liền nhau, phát âm cùng lúc như là một nguyên âm". Hiểu như thế thì mỗi nguyên âm trong tổ hợp nguyên âm kép là "một nưả" nguyên âm. Một điểm rất đáng chú ý khác là nguyên âm thứ nhất thường chuyển nhanh sang nguyên âm thứ nhì. Một phần tử cuả tổ hợp nguyên âm kép luôn luôn ở vị trí mạnh hơn phần tử kia. Nếu yếu tố đứng trước mạnh hơn, như trong các tổ hợp / aj / trong tiếng Anh, thì người ta gọi là nguyên âm kép giảm dần. Tuy vậy, cũng có những ngôn ngữ lại có nguyên âm kép tăng dần, như tổ hợp / ia /, trong đó yếu tố / A / mạnh hơn. Tình hình nghiên cứu về những kết hợp nguyên âm với hai âm /w/ và /i/ ở trước hay ở sau nó cũng có nhiều giải thuyết khác nhau. Ðối với kết hợp /w/ và /i/ ở sau nguyên âm, chúng tôi xem chúng là hai phụ âm cuối, dưạ trên tính cách phụ âm rõ rệt cuả chúng. Ðối với những kết hợp trước nguyên âm khác, chúng tôi nhất loạt xem hai âm này là nguyên âm thứ nhất trong tổ hợp nguyên âm kép. Chúng tôi căn cứ vào sự phân bố thống nhất cuả các kết hợp / w / + nguyên âm trong tiếng Việt là một hiện tượng nằm trong quy luật hoạt động phổ biến cuả nguyên âm trong mọi ngôn ngữ: hiện tượng tổ hợp nguyên âm ( kép) trượt-tăng dần, và cho rằng nét khu biệt cuả những kết hợp này khá thống nhất trong phần âm chính cuả âm tiết. Các tổ hợp nguyên âm tăng dần có cùng tính cách và giá trị âm vị học như nhau cuả một nguyên âm kép, từ mô hình kết hợp đến trường độ phát âm. Chẳng hạn, cứ liệu thực nghiệm không cho thấy khác biệt nào giưã các tổ hợp hai nguyên âm / ie, KC, uo /, và các tổ hợp khác mà các nhà ngữ âm thường xem là một bán âm + nguyên âm: / ua, ue, uie / (Hình 14). Tất cả những đường nét cuả các nguyên âm kép đều cho thấy phần mang âm tiết tính đều có hai đỉnh cao: một đỉnh cuả nguyên âm thứ nhất, và một đỉnh cao hơn tiếp ngay sau đó là cuả nguyên âm thứ nhì. Khi đến đỉnh cao thì âm tiết bắt đầu khép lại. Cho nên đưa tất cả những tổ hợp hai nguyên âm vào nhóm các tổ hợp nguyên âm kép là một việc hợp lẽ. Một kết luận khác rút ra từ những thảo luận trên đây, là: dù là nguyên âm đơn hay nguyên âm kép, nguyên âm ngắn hay dài, các âm vị này chỉ là một âm vị duy nhất đảm nhận thành phần âm chính trong cấu trúc âm tiết. Kết luận thứ ba là: vì không có loại âm vị gọi là bán âm trong tiếng Việt nên cũng không có thành phần gọi là âm đệm trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Sơ đồ cấu trúc âm tiết đề nghị ở đây không có đơn vị gọi là âm đệm độc lập, hoặc xem là tiền âm chính -hiểu như một tính cách cuả âm đầu. Tóm lại, mỗi âm tiết tiếng Việt gồm có bốn thành phần âm vị học. Bốn thành phần cuả cấu trúc âm tiết tiếng Việt sẽ có giá trị âm vị học như nhau. Âm tiết tiếng Việt được sắp xếp theo cấu trúc như sau:

18 Hình 14: Ðối chiếu đường nét phát âm cuả "iê", "ươ", "uô" và ""oa", "uê", "uyê" Mỗi thành phần của âm tiết sẽ do một âm vị đảm nhận: thành phần âm đầu: do một phụ âm đầu đảm nhận; thành phần âm chính làm nên phần hạt nhân của âm tiết, do một nguyên âm đảm nhận; thành phần âm cuối do một phụ âm cuối đảm nhận;

19 thành phần thanh điệu: do một thanh đảm nhận. Có thể lập lại sơ đồ trên dưới dạng công thức như sau, trong đó các thành phần âm tiết được biểu hiệu bằng các nhánh hình cây và một ô trong sơ đồ hình chữ nhật: Hình 15: Công thức cấu trúc âm tiết tiếng Việt Sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt trên đây cho thấy bốn thành phần có vai trò chức năng ngang nhau trong việc xác định âm tiết. Trong bốn âm vị thì ba âm vị: phụ âm đầu, nguyên âm và phụ âm cuối là những âm vị tuyến tính, nghiã là phát âm tương đối theo trật tự trước sau, và khi phân tích âm tiết, chúng cũng được phân cách theo thứ tự cấu thành âm tiết. Ngược lại, thanh là một âm vị phi tuyến tính, vì nó có mặt ngay lập tức cùng với khi phát ra âm tiết, và do vậy tính cách cuả thanh là bao trùm toàn thể âm tiết. Sơ đồ cấu trúc âm tiết trong hình 17 dưới đây là một cách thể hiện khác, có thể cho thấy sự phân biệt hai loại âm vị đảm nhận thành phần âm tiết. Hình 16: sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt Âm tiết tiếng Việt không thể thiếu hai thành phần chính yếu làm nên âm tiết tính cuả nó, là: âm chính, và thanh điệu. Âm chính có thể gồm ít nhất một nguyên âm, hoặc là một tổ hợp nguyên âm. Âm tiết "nguyệt" / Puiẹt / có sơ đồ cấu trúc như sau:

20 Hình 18: Phân tích cấu trúc âm tiết cuả câu nói 'A! Mẹ về!' Như thế, trong một âm tiết tiếng Việt có bốn thành phần âm vị. Ðó là một cấu trúc phổ biến và ổn định. Các kiểu cấu trúc âm tiết tiếng Việt Sơ đồ cấu trúc như trình bày ở Hình 17 trên kia được xem là mô hình cấu trúc đầy đủ nhất. Trên thực tế thì một âm tiết tiếng Việt có thể biểu hiện ra dưới một trong bốn dạng thức: (a) âm tiết gồm âm chính + thanh: đây là một dạng âm tiết mở, trong đó âm chính không bị phụ âm cuối cản trở làn hơi; (b) âm tiết gồm âm chính + âm cuối + thanh: đây là dạng âm tiết khép, trong đó phụ âm cuối có mặt để khép làn hơi nói ở cuối mỗi âm tiết. (c) âm tiết gồm âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh: đây là một dạng âm tiết mở khác bắt đầu với một phụ âm đầu trước khi phát ra âm chính; (d) âm tiết gồm âm đầu + âm chính + âm cuối + thanh: đây là dạng âm tiết khép với đầy đủ bốn thành phần cuả một âm tiết tiếng Việt. Trong tất cả bốn kiểu kết hợp trên đây, âm chính và thanh là thành phần bắt buộc phải có để âm tiết có âm tiết tính. Tiếng Việt không có dạng âm tiết cấu tạo toàn phụ âm -dù là phụ âm vang như tiếng Tiệp chẳng hạn. Theo như bốn mô thức thể hiện âm tiết tiếng Việt trên đây, chúng ta có thể thấy là, tuỳ theo vị trí quan sát, âm tiết tiếng Việt có hai loại cấu trúc lớn.

21 Bốn dạng âm tiết tiếng Việt có thể tóm tắt trong hình dưới đây: Hình 19: Các dạng cấu trúc âm tiết tiếng Việt Nếu xét tiêu chí có hay không có âm đầu, âm tiết tiếng Việt có thể có hai loại cấu trúc: 1. Âm tiết không có âm đầu: loại cấu trúc này bao gồm các dạng cấu trúc (a) và (b) trong hình Âm tiết có âm đầu: loại cấu trúc này bao gồm các dạng cấu trúc (c) và (d) trên kia. Nếu xét tiêu chí có hay không có âm cuối, âm tiết tiếng Việt lại có thể có hai loại cấu trúc như sau: 1. Âm tiết mở: là những âm tiết không có thành phần âm cuối, và bao gồm các dạng (a) và (c) trong hình Âm tiết khép: là những âm tiết có thành phần âm cuối, và gồm các dạng cấu trúc (b) và (d) trên kia. V. Âm tiết tiếng Việt không chỉ là sự kết hợp cuả các âm vị tuyến tính, mà còn các yếu tố phi tuyến tính cũng làm nên nét đặc trưng có ý nghiã cuả âm tiết. Quan hệ kết hợp giưã nguyên âm và phụ âm cuối Hai âm tiết / tan/ và / ta*n~/ đều có bốn âm vị giống nhau. Trong trường hợp này, mối quan hệ kết hợp giưã nguyên âm /A/ với phụ âm cuối /n/ làm nên sự khác nhau giưã hai âm tiết này. Quan hệ giưã nguyên âm và phụ âm cuối có thể là mối quan hệ chặt hay lỏng mà cho âm sắc khác nhau cho âm tiết. Hai âm tiết lùm xùm / lùm sùm/ (kết hợp lỏng), mà cũng có thể phát âm thành / lùm~

22 sùm~ / (kết hợp chặt). Cả hai kết hợp đều là kết hợp có ý nghiã trong tiếng Việt, vì nó tạo hai âm sắc khác nhau cuả hai phương ngữ bắc và nam. Có khi hai kết hợp tạo nên hai âm tiết khác nghiã hẳn: tám / ta m/ và tắm / ta `m~ / là hai âm tiết khác hẳn nhau chỉ từ một yếu tố quan hệ kết hợp - là yếu tố phi tuyến tính. Ðây chính là lí do khiến Hoàng & Hoàng (1975) đưa quan hệ kết hợp vào sơ đồ cấu trúc âm tiết tiếng Việt, xem như là một âm vị điệu tính có ý nghiã, bên cạnh các âm vị tuyến tính và thanh điệu. Sơ đồ cấu trúc âm tiết mà chúng tôi trình bày ở đây không đưa quan hệ này thành một yếu tố cấu tạo âm tiết, vì lẽ rằng trong nội bộ âm tiết tiếng Việt, có nhiều mối quan hệ khác nưã: quan hệ giưã thành phần âm đầu và thành phần âm chính, quan hệ kết hợp trong nội bộ thành phần âm chính, quan hệ giưã phụ âm cuối và thanh. Những yếu tố phi đoạn này cuả cấu trúc âm tiết có tính cách khác với thanh điệu, là yếu tố phi đoạn khác có ý nghiã âm vị học nổi bật. Vả chăng, các mối quan hệ này đều đã được biểu hiện bên cạnh các yếu tố đoạn tính: chẳng hạn quan hệ chặt giưã nguyên âm và phụ âm cuối thường biểu hiệu qua một nguyên âm ngắn hay một phụ âm cuối chặt. Âm tiết anh /F`Pk~/ khác âm tiết eng / FP / qua phát âm và qua các đồ vị khác nhau. Vì thế sơ đồ cấu trúc âm tiết bốn thành phần đã chỉ ghi nhận thanh là một yếu tố phi tuyến tính có ý nghiã ở cấp âm tiết mà thôi. Vị trí của thanh điệu trong cấu trúc âm tiết Cho đến nay có thể nhận ra hai cách nhìn nhận vai trò cuả thanh điệu trong âm tiết: hướng thứ nhất xem thanh điệu là một yếu tố ngôn điệu, tạo âm sắc cho âm tiết nhưng không phải là một thành phần cấu thành âm tiết. Lối nhìn nhận thứ hai xem thanh điệu là yếu tố phi tuyến tính cuả âm tiết bên cạnh các yếu tố tuyến tính khác, và như thế thì thanh là một thành phần cấu tạo cuả âm tiết tiếng Việt. Hai hướng nhìn nhận sẽ dẫn đến hai quan điểm khác nhau về cấu trúc âm tiết. Quan niệm rằng thanh là yếu tố ngôn điệu là căn cứ trên tính cách tạo âm sắc cho âm tiết. Ðây là nét đặc trưng cuả âm tiết loại hình ngôn ngữ đa tiết, trong đó các âm vị tuyến tính kết hợp với nhau. Ðó là những kết hợp ổn định và làm nên nét khu biệt cuả âm tiết này với âm tiết khác. Trong khi đó thì yếu tố ngôn điệu như trọng âm câu nói có thể thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh, cho nên chỉ được xem là yếu tố tạo âm sắc cho âm tiết mà thôi. So sánh ba lối nhấn trọng âm trong cùng một câu nói ngắn dưới đây: Thanh cuả tiếng Việt không thế. Mỗi âm tiết chỉ có thể mang một thanh ổn định, tạo nên nét khu biệt cuả âm tiết. Thanh là một yếu tố gắn liền với âm tiết, và không thể tuỳ tiện thay đổi nó mà không làm mất nét khu biệt cuả nó bên cạnh các âm tiết khác. Nhìn lại các sơ đồ cấu trúc âm tiết trên kia, có thể thấy những cố gắng để làm bật lên tính cách riêng cuả thanh trong âm tiết tiếng Việt, từ chỗ nó chỉ là yếu tố bên lề, thanh đã được nhìn nhận như một âm vị cuả âm tiết, có chức năng âm vị học rõ rệt. Một đặc trưng khác cuả thanh là nó gắn vào yếu tố âm tiết tính cuả âm tiết, tức là nguyên âm. Và cũng là một sự kiện có ý nghiã khi hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện nay đánh dấu thanh lên nguyên âm -là

Phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ

Phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ Những bài văn hay phân tích bài viết Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi - Để học tốt môn Văn lớp 9. Đề bài: Phân tích bài "Tiếng nói của văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi. *** Văn mẫu hay nhất phân tích

Chi tiết hơn

19/12/2014 Do Georges Nguyễn Cao Đức JJR 65 chuyễn lại GIÁO DỤC MIỀN NAM

19/12/2014 Do Georges Nguyễn Cao Đức JJR 65 chuyễn lại GIÁO DỤC MIỀN NAM http://boxitvn.blogspot.fr/2014/12/giao-duc-mien-nam-viet-nam-1954-1975.html 19/12/2014 Do Georges Nguyễn Cao Đức JJR 65 chuyễn lại GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1975) TRÊN CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT

Chi tiết hơn

Từ Mỹ về Rừng Thăm Bạn Lâm Chương Lúc mới đến, tôi hỏi: - Đào hố để làm gì? Anh nói: - Bắt khỉ. Tôi ngạc nhiên: - Bắt khỉ? - Ừ, bắt khỉ. - Để ăn thịt?

Từ Mỹ về Rừng Thăm Bạn Lâm Chương Lúc mới đến, tôi hỏi: - Đào hố để làm gì? Anh nói: - Bắt khỉ. Tôi ngạc nhiên: - Bắt khỉ? - Ừ, bắt khỉ. - Để ăn thịt? Từ Mỹ về Rừng Thăm Bạn Lâm Chương Lúc mới đến, tôi hỏi: - Đào hố để làm gì? - Bắt khỉ. Tôi ngạc nhiên: - Bắt khỉ? - Ừ, bắt khỉ. - Để ăn thịt? - Khỉ ốm, chỉ có da bọc xương. Thịt khỉ lại tanh, không ai

Chi tiết hơn

PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ HT. Trí Thủ ---o0o--- Nguồn Chuyển sang ebook Người thực hiện : Nam Thiên Link A

PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ HT. Trí Thủ ---o0o--- Nguồn   Chuyển sang ebook Người thực hiện : Nam Thiên Link A PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ HT. Trí Thủ ---o0o--- Nguồn http://www.niemphat.net Chuyển sang ebook 19-6-2009 Người thực hiện : Nam Thiên namthien@gmail.com Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org Mục

Chi tiết hơn

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI HAI 19

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI HAI 19 ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI HAI 19. LỜI TỰA CHO BỘ TỊNH ĐỘ THÁNH HIỀN LỤC (Năm Dân Quốc 22 1933). Pháp Môn Tịnh Độ rộng

Chi tiết hơn

NGHỆ THUẬT DIONYSOS NHƯ MỘT DIỄN NGÔN TRONG THƠ THANH TÂM TUYỀN Trần Thị Tươi 1 Tóm tắt Là một trong những thành viên trụ cột của nhóm Sáng Tạo những

NGHỆ THUẬT DIONYSOS NHƯ MỘT DIỄN NGÔN TRONG THƠ THANH TÂM TUYỀN Trần Thị Tươi 1 Tóm tắt Là một trong những thành viên trụ cột của nhóm Sáng Tạo những NGHỆ THUẬT DIONYSOS NHƯ MỘT DIỄN NGÔN TRONG THƠ THANH TÂM TUYỀN Trần Thị Tươi 1 Tóm tắt Là một trong những thành viên trụ cột của nhóm Sáng Tạo những năm 50-60 của thế kỷ XX, có thể xem Thanh Tâm Tuyền

Chi tiết hơn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN DOÃN ĐÀI QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH HUỀ TRÌ, XÃ AN PHỤ, HUYỆN KIN

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN DOÃN ĐÀI QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH HUỀ TRÌ, XÃ AN PHỤ, HUYỆN KIN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN DOÃN ĐÀI QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÌNH HUỀ TRÌ, XÃ AN PHỤ, HUYỆN KINH MÔN, TỈNH HẢI DƯƠNG LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ VĂN

Chi tiết hơn

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư Tịnh Không Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà TẬP MỘT Chư vị đồng tu. Hôm nay chúng

Chi tiết hơn

193 MINH TRIẾT KHUYẾN THIỆN - TRỪNG ÁC VÌ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO HIỂN LỘ QUA VIỆC THỜ HAI VỊ HỘ PHÁP TRONG NGÔI CHÙA NGƯỜI VIỆT Vũ Minh Tuyên * Vũ Thú

193 MINH TRIẾT KHUYẾN THIỆN - TRỪNG ÁC VÌ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO HIỂN LỘ QUA VIỆC THỜ HAI VỊ HỘ PHÁP TRONG NGÔI CHÙA NGƯỜI VIỆT Vũ Minh Tuyên * Vũ Thú 193 MINH TRIẾT KHUYẾN THIỆN - TRỪNG ÁC VÌ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO HIỂN LỘ QUA VIỆC THỜ HAI VỊ HỘ PHÁP TRONG NGÔI CHÙA NGƯỜI VIỆT Vũ Minh Tuyên * Vũ Thúy Hằng ** Như thách thức cùng năm tháng, như nằm ngoài

Chi tiết hơn

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI TÁM 17

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI TÁM 17 ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa PHẦN MƯỜI TÁM 17. KHUYÊN KHẮP MỌI NGƯỜI KÍNH TIẾC GIẤY CÓ CHỮ VÀ TÔN KÍNH KINH SÁCH (Năm Dân Quốc 24-1935).

Chi tiết hơn

MỞ ĐẦU

MỞ ĐẦU BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG LÊ PHAN QUỲNH TRANG CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ LIÊN TƢỞNG VÀ TƢ DUY THƠ CHẾ LAN VIÊN QUA BA TẬP DI CẢO Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 60.22.01 TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chi tiết hơn

NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG: Thế giới xung quanh chúng ta sẽ rất ý vị, nên thơ, nên nhạc * LỜI CUNG KÍNH ĐẾN TS. THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trụ trì Chùa Hương

NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG: Thế giới xung quanh chúng ta sẽ rất ý vị, nên thơ, nên nhạc * LỜI CUNG KÍNH ĐẾN TS. THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trụ trì Chùa Hương NI SƯ THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG: Thế giới xung quanh chúng ta sẽ rất ý vị, nên thơ, nên nhạc * LỜI CUNG KÍNH ĐẾN TS. THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trụ trì Chùa Hương Sen, tiểu bang California, Hoa Kỳ NGUYỄN HIỀN-ĐỨC Cách

Chi tiết hơn

(Microsoft Word - 4_Vuong NC-T\ doc)

(Microsoft Word - 4_Vuong NC-T\ doc) Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 29, Số 2 (2013) 34-49 Động thái hướng tới mô hình Trung Hoa trong nỗ lực hoàn thiện thể chế chính trị - xã hội triều Nguyễn giai đoạn nửa đầu thế

Chi tiết hơn

Microsoft Word - KHÔNG GIAN TINH THẦN

Microsoft Word - KHÔNG GIAN TINH THẦN KHÔNG GIAN TINH THẦN Nguyễn Trần Bạt Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group Khi nghiên cứu về sự phát triển của con người, tôi đã rút ra kết luận rằng sự phát triển của con người lệ thuộc vào hai

Chi tiết hơn

Chương 16 Kẻ thù Đường Duyệt càng hoài nghi, không rõ họ đang giấu bí mật gì. Tại sao Khuynh Thành không ở bên cạnh nàng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì

Chương 16 Kẻ thù Đường Duyệt càng hoài nghi, không rõ họ đang giấu bí mật gì. Tại sao Khuynh Thành không ở bên cạnh nàng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì Chương 16 Kẻ thù Đường Duyệt càng hoài nghi, không rõ họ đang giấu bí mật gì. Tại sao Khuynh Thành không ở bên cạnh nàng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Nữ thí chủ, Khuynh Thành vốn là một vũ khí chất chứa

Chi tiết hơn

VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO THỜI LÝ TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HOÁ THĂNG LONG- HÀ NỘI THƯỢNG TỌA THÍCH BẢO NGHIÊM Tóm tắt Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI TC

VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO THỜI LÝ TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HOÁ THĂNG LONG- HÀ NỘI THƯỢNG TỌA THÍCH BẢO NGHIÊM Tóm tắt Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI TC VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO THỜI LÝ TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HOÁ THĂNG LONG- HÀ NỘI THƯỢNG TỌA THÍCH BẢO NGHIÊM Tóm tắt Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI TCN và có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên.

Chi tiết hơn

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư Tịnh Không Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà TẬP BỐN Hàng thứ ba trang thứ nhất

Chi tiết hơn

Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác

Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ KINH PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC (TẬP 4) Dịch Việt ngữ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa 1 Dịch theo bản in lần

Chi tiết hơn

Thứ Tư Số 363 (6.615) ra ngày 28/12/ CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: XUẤT BẢN TỪ NĂM 1985 BỘ TRƯỞNG LÊ

Thứ Tư Số 363 (6.615) ra ngày 28/12/ CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: XUẤT BẢN TỪ NĂM 1985 BỘ TRƯỞNG LÊ Thứ Tư Số 363 (6.615) ra ngày 28/12/2016 http://phapluatplus.vn CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: BỘ TRƯỞNG LÊ THÀNH LONG: Lực lượng Công an phải tin và dựa vào nhân dân S áng 27/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước

Chi tiết hơn

Microsoft Word - doc-unicode.doc

Microsoft Word - doc-unicode.doc KHÓA LỄ BÁT NHÃ (Chủ lễ thắp ba cây hương quỳ ngay thẳng, cầm hương ngay trán, niệm bài cúng hương) CÚNG HƯƠNG TÁN PHẬT Nguyện thử diệu hương vân, Biến mãn thập phương giới. Cúng dường nhất thiết Phật,

Chi tiết hơn

 Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

 Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh Author : vanmau Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh Bài làm 1 Hồ Chí Minh là một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với một lòng

Chi tiết hơn

Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường

Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường Tham khảo những bài văn mẫu hay nhất chủ đề Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đề bài: Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Chi tiết hơn

Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) – Văn mẫu lớp 12

Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) – Văn mẫu lớp 12 Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) - Văn mẫu lớp 12 Author : Nguyễn Tuyến Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) - Bài số 1 Nguyễn Khải là nhà văn giỏi quan sát chuyện đời, chuyện

Chi tiết hơn

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG TXD CẨM NANG XÂY NHÀ Dành cho người xây nhà 1 P a g e

CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG TXD CẨM NANG XÂY NHÀ Dành cho người xây nhà 1 P a g e CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG TXD CẨM NANG XÂY NHÀ Dành cho người xây nhà 1 P a g e Mục lục PHẦN 1: XÂY NHÀ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU... 4 1. Quy trình làm nhà... 4 2 P a g e Quy trình 6 bước tạo nên một ngôi nhà... 4 Bước

Chi tiết hơn

1

1 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ THANH TRÚC TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MẠNG LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI - 2017 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN

Chi tiết hơn

CHƯƠNG 2

CHƯƠNG 2 CHƯƠNG 2 TẠI SAO PHẢI THIỀN ĐỊNH Từ những người sơ cơ cho đến cả những thiền sinh thâm niên vẫn thường có một câu hỏi cho chính mình về lý tưởng của đời sống thiền định, hay nói rõ hơn là hầu hết vẫn chưa

Chi tiết hơn

VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA CỘNG SẢN VÀ SỰ PHÂN CHIA LÃNH THỔ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘ

VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA CỘNG SẢN VÀ SỰ PHÂN CHIA LÃNH THỔ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘ VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA CỘNG SẢN VÀ SỰ PHÂN CHIA LÃNH THỔ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC Tập tài liệu bạn đang có trong tay là kết tụ những

Chi tiết hơn

Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước Author : elisa Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước - Bài số 1 "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi... Đất Nước có từ ngày đó". Đoạn thơ đã nói lên một cách dung dị mà

Chi tiết hơn

Phân tích những bi kịch của phụ nữ dưới thời phong kiến

Phân tích những bi kịch của phụ nữ dưới thời phong kiến Phân tích những bi kịch của phụ nữ dưới thời phong kiến Author : vanmau Bài văn hay phân tích những bi kịch của phụ nữ dưới thời phong kiến DÀN BÀI 1.Mở bài Hướng dẫn - Nguyễn Du đã có hai câu thơ khái

Chi tiết hơn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN NGỌC QUANG HẦU ĐỒNG TẠI PHỦ THƯỢNG ĐOẠN, PHƯỜNG ĐÔNG HẢI 1, QUẬN HẢI AN, TH

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN NGỌC QUANG HẦU ĐỒNG TẠI PHỦ THƯỢNG ĐOẠN, PHƯỜNG ĐÔNG HẢI 1, QUẬN HẢI AN, TH BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG NGUYỄN NGỌC QUANG HẦU ĐỒNG TẠI PHỦ THƯỢNG ĐOẠN, PHƯỜNG ĐÔNG HẢI 1, QUẬN HẢI AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA

Chi tiết hơn

Đề 11: Hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ, con người trong Đoàn thuyên đánh cá của Huy Cận – Bài văn chọn lọc lớp 9

Đề 11: Hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ, con người trong Đoàn thuyên đánh cá của Huy Cận – Bài văn chọn lọc lớp 9 Đề 11: Hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ, con người trong Đoàn thuyên đánh cá của Huy Cận Bài văn chọn lọc lớp 9 Author : vanmau Đề 11: Hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ, con người trong Đoàn thuyên đánh cá của

Chi tiết hơn

Phân tích đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Phân tích đoạn trích "Trao duyên" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Author : vanmau Phân tích đoạn trích "Trao duyên" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Bài làm 1 Truyện Kiều là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn

Chi tiết hơn

Microsoft Word - Dthuyenbi2.doc

Microsoft Word - Dthuyenbi2.doc OSHO OSHO ĐI TÌM ĐIỀU HUYỀN BÍ Tập 2 IN SEARCH OF THE MIRACULOUS Volumn 2 HÀ NỘI - 6/2010 Mục lục Giới thiệu...iii 1. Giúp đỡ bên ngoài cho sự tăng trưởng năng lượng kundalini...1 2 Chín muồi của thiền

Chi tiết hơn

TUYÊ N TÂ P LY ĐÔNG A MỞ QUYÊ N Học Hội Thắng Nghĩa 2016

TUYÊ N TÂ P LY ĐÔNG A MỞ QUYÊ N Học Hội Thắng Nghĩa 2016 TUYÊ N TÂ P LY ĐÔNG A MỞ QUYÊ N Học Hội Thắng Nghĩa 2016 2 Việt Duy Dân Quốc Sách Đại Cương Thảo Án Toàn Pho MỞ QUYÊ N Chương 1 DẪN NHÂ P Trong cảnh vô cùng nguy nan của nước nòi Việt, Trong khi tất cả

Chi tiết hơn

PHÓNG SANH VẤN ĐÁP

PHÓNG SANH VẤN ĐÁP CÔNG ĐỨC PHÓNG SINH Pháp sư Viên Nhân 1 MỤC LỤC MỤC LỤC... 2 LỜI NÓI ĐẦU... 6 PHẦN I. CÔNG ĐỨC PHÓNG SINH... 14 LỜI DẪN... 14 CHUƠNG I: PHÓNG SINH LÀ GÌ?... 20 Phóng sinh có những công đức gì?... 22 CHUƠNG

Chi tiết hơn

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên Author : Hồng Thắm Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên - Bài làm 1 Còn duyên kẻ đón người đưa Hết duyên đi sớm, về trưa mặc lòng.

Chi tiết hơn

Phần 1

Phần 1 Chương 7 Hiên Mặc Lâu vốn không gọi Hiên Mặc Lâu, tên là Văn Hiên Lâu, ông chủ của họ đúng là họ Văn tên Hiên. Nói tới cái tên Văn Hiên này, cũng là có chút địa vị. Phụ thân hắn Văn Như Cảnh đã từ làm

Chi tiết hơn

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư T A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA Liên Trì Đại Sư Chùa Vân Thê soạn Sớ Sao Pháp Sư Cổ Đức Diễn Nghĩa Giảng giải: Pháp Sư Tịnh Không Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà TẬP BA Xin mở cuốn Hạ của bộ Kinh,

Chi tiết hơn

Phần mở đầu

Phần mở đầu BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trương Thu Sương TÌM HIỂU ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ CỦA NHẬT BÁO CẦN THƠ LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC Thành phố Hồ Chí Minh 2012 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO

Chi tiết hơn

365 Ngày Khai Sáng Tâm Hồn Osho Chia sẽ ebook : Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage :

365 Ngày Khai Sáng Tâm Hồn Osho Chia sẽ ebook :   Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : 365 Ngày Khai Sáng Tâm Hồn Osho Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google :http://bit.ly/downloadsach

Chi tiết hơn

Microsoft Word - trachvuphattutaigia-read.docx

Microsoft Word - trachvuphattutaigia-read.docx LỜI NÓI ĐẦU Phần đông Phật tử Quy Y Tam Bảo mà chưa ý thức nhiệm vụ mình phải làm gì đối với mình, đối với mọi người, đối với đạo. Hoặc có ít người ý thức lại là ý thức sai lầm, mình lầm hướng dẫn kẻ khác

Chi tiết hơn

Công Chúa Hoa Hồng

Công Chúa Hoa Hồng Tác giả: Thể loại: Cổ Tích Website: Date: 18-October-2012 Đời xưa, một ông vua và một bà hoàng hậu có ba cô con gái. Họ yêu thương hai cô con gái lớn sinh đôi tên Cam Vàng và Hoe Đỏ. Hai cô này đẹp, tài

Chi tiết hơn

HƯỚNG ĐẠO, CHỈ THẾ THÔI! Lý thuyết và thực hành dành cho các Trưởng Hướng Đạo Nam và nữ. Hướng Đạo, đơn giản thế thôi! 1

HƯỚNG ĐẠO, CHỈ THẾ THÔI! Lý thuyết và thực hành dành cho các Trưởng Hướng Đạo Nam và nữ. Hướng Đạo, đơn giản thế thôi! 1 Lý thuyết và thực hành dành cho các Trưởng Hướng Đạo Nam và nữ. Hướng Đạo, đơn giản thế thôi! 1 Tổ chức Thế Giới của Phong trào Hướng Đạo. ĐƯỜNG LỐI Tư liệu này là một yếu tố thực hiện đường lối. Văn phòng

Chi tiết hơn

CHƯƠNG 1

CHƯƠNG 1 CHƯƠNG 1 TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH Tương truyền rằng ngay sau khi rời gốc bồ đề, ra đi lúc mới vừa thành Phật, Ðức thế tôn đã gặp trên đường một du sĩ ngoại giáo. Bị cuốn hút bởi phong thái siêu phàm cùng

Chi tiết hơn

No tile

No tile Mặt A Chương 8 Ngày thứ năm mươi. Cây lựu trong vườn treo đã kết quả. Móng tay của Thôi Thiện dính đầy bùn đất và cáu bẩn, rất nhiều lần quẹt qua làm xước cả mặt, nhưng bóc lựu lại rất tiện. Quả ở trên

Chi tiết hơn

Tràng Giang

Tràng Giang Tràng Giang -Huy Cận- Bài số 1: - Khái quát tác giả: Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, nhà thơ tạo được phong cách rất riêng trong phong trào thơ mới 1930-1945. Trước Cách mạng tháng tám, thơ ông

Chi tiết hơn

Microsoft Word - T? Thu Ngu Kinh v?i v?n d? giáo d?c gia dình.doc

Microsoft Word - T? Thu Ngu Kinh v?i v?n d? giáo d?c gia dình.doc Tứ Thư Ngũ Kinh với vấn đề giáo dục gia đình Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ I. KINH DỊCH VỚI GIA ĐÌNH II. KINH THƯ VỚI GIA ĐÌNH III. KINH LỄ VỚI GIA ĐÌNH IV. KINH XUÂN THU VỚI GIA ĐÌNH V. KINH THI VỚI GIA ĐÌNH

Chi tiết hơn

12/22/2015 nhantu.net/tongiao/4thu5kinh.htm Tứ Thư Ngũ Kinh với vấn đề giáo dục gia đình Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ I. KINH DỊCH VỚI GIA ĐÌNH II. KINH THƯ

12/22/2015 nhantu.net/tongiao/4thu5kinh.htm Tứ Thư Ngũ Kinh với vấn đề giáo dục gia đình Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ I. KINH DỊCH VỚI GIA ĐÌNH II. KINH THƯ Tứ Thư Ngũ Kinh với vấn đề giáo dục gia đình Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ I. KINH DỊCH VỚI GIA ĐÌNH II. KINH THƯ VỚI GIA ĐÌNH III. KINH LỄ VỚI GIA ĐÌNH IV. KINH XUÂN THU VỚI GIA ĐÌNH V. KINH THI VỚI GIA ĐÌNH

Chi tiết hơn

36

36 36 Em có phải là chiều thu êm ái Để lòng ta vuơng vấn mỗi chiều Vắng em lòng chạnh cô liêu Ôi xiêm áo và nồng hương tóc rối. Buổi hôm ấy, chiều chưa sụp tối Mà trăng vàng đã tỏa đầu non Xa xa mầu hạ héo

Chi tiết hơn

Bình luận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận

Bình luận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận Bình luận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận Author : Hà Anh Đề bài: Bình luận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận Bài làm Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác năm 1958, trong

Chi tiết hơn

Mấy Điệu Sen Thanh - Phần 4

Mấy Điệu Sen Thanh - Phần 4 Mấy Ðiệu Sen Thanh: Phần 4 PHƯƠNG HẢI SANH Đồng tử Phương Hải Sanh là con của cư sĩ Phương Dưỡng Thu ở Hương Cảng. Dưỡng Thu ưa làm việc phước thiện, sau tuổi trung niên lại chuyên tâm hướng về Tịnh độ.

Chi tiết hơn

 Phần 3 Lam Huyên vui chân trên phố, trời chiều hôm nay trong xanh và phố phường dường như đông đúc hơn. Được một đoạn đường ngắn, Huyên nhận ra bên kia đường, Văn ngồi trên xe, môi thấp thoáng nụ cười.

Chi tiết hơn

Microsoft Word TÀI LI?U GIÁO D?C CHÍNH TR? TU TU?NG P2.doc

Microsoft Word TÀI LI?U GIÁO D?C CHÍNH TR? TU TU?NG P2.doc HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM TÀI LIỆU GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG (Dành cho hội viên, phụ nữ) Tháng 12/2015 1 MỘT SỐ CÂU CHUYỆN VỀ BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ Không có chỗ cho Bác gái đứng à? Ngày 26 tháng 12

Chi tiết hơn

Chan uot chan raoTPV

Chan uot chan raoTPV 1 Tôi Đọc Chân Ướt Chân Ráo Của Lê Thiệp Lê Thiệp là một tên tuổi quen thuộc trong làng báo Việt nam trước tháng Tư năm 1975. Là một ký giả trẻ, chuyên nghiệp, năng nổ, anh từng cộng tác với nhiều tờ báo

Chi tiết hơn

Th«ng tin nghiªn cøu B o tån Di s n Sè 02(38) 2017 MỘT SỐ TẬP TỤC Ở HỘI AN LIÊN QUAN ĐẾN TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG CÂY CỐI Trần Phương Thờ cúng cây cối là m

Th«ng tin nghiªn cøu B o tån Di s n Sè 02(38) 2017 MỘT SỐ TẬP TỤC Ở HỘI AN LIÊN QUAN ĐẾN TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG CÂY CỐI Trần Phương Thờ cúng cây cối là m MỘT SỐ TẬP TỤC Ở HỘI AN LIÊN QUAN ĐẾN TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG CÂY CỐI Thờ cúng cây cối là một trong những hình thức tín ngưỡng đã có từ lâu đời trên đất nước Việt Nam và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là một

Chi tiết hơn

Dieãn ñaøn trao ñoåi 75 THÀNH NGỮ TRONG CUNG OÁN NGÂM KHÚC NGUYỄN GIA THIỀU Expressions in Cung oan Ngam Khuc Nguyen Gia Thieu Trần Minh Thương 1 Tóm

Dieãn ñaøn trao ñoåi 75 THÀNH NGỮ TRONG CUNG OÁN NGÂM KHÚC NGUYỄN GIA THIỀU Expressions in Cung oan Ngam Khuc Nguyen Gia Thieu Trần Minh Thương 1 Tóm 75 THÀNH NGỮ TRONG CUNG OÁN NGÂM KHÚC NGUYỄN GIA THIỀU Expressions in Cung oan Ngam Khuc Nguyen Gia Thieu Trần Minh Thương 1 Tóm tắt Dựa trên những khái niệm về thành ngữ của các nhà khoa học, bài viết

Chi tiết hơn

BÃy gi© Di L¥c BÒ Tát nói v§i ThiŒn Tài r¢ng :

BÃy gi© Di L¥c BÒ Tát nói v§i ThiŒn Tài r¢ng : An Lạc Tập Thích Đạo Xước soạn Thích Nhất Chân dịch Bộ An Lạc Tập này trọn một bộ gồm 12 đại môn, môn nào cũng đều trích dẫn các Kinh và Luận ra để chứng minh, nhằm khuyến khích người học tin tưởng mà

Chi tiết hơn

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ TÒA THÁNH TÂY NINH 孔 ĐỨC KHỔNG TỬ GIÁO CHỦ NHO GIÁO Tùng Thiên TỪ BẠCH HẠC 子 tài li ệ u sư u tầ m 2015 hai không một năm

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ TÒA THÁNH TÂY NINH 孔 ĐỨC KHỔNG TỬ GIÁO CHỦ NHO GIÁO Tùng Thiên TỪ BẠCH HẠC 子 tài li ệ u sư u tầ m 2015 hai không một năm ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ TÒA THÁNH TÂY NINH 孔 ĐỨC KHỔNG TỬ GIÁO CHỦ NHO GIÁO Tùng Thiên TỪ BẠCH HẠC 子 tài li ệ u sư u tầ m 2015 hai không một năm Ebook được làm theo Ấn-Bản phổ biến trên Website của daocaodai.info.

Chi tiết hơn

LỜI GIỚI THIỆU Chia sẽ ebook : Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : C

LỜI GIỚI THIỆU Chia sẽ ebook :   Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage :   C LỜI GIỚI THIỆU Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google :http://bit.ly/downloadsach Người lãnh

Chi tiết hơn

Microsoft Word - Day_lop_4_P1.doc

Microsoft Word - Day_lop_4_P1.doc Dự Án Phát Triển Giáo Viên Tiểu Học GIÁO TRÌNH Dạy Học Lớp 4 Theo Chương Trình Tiểu Học Mới Ebook.moet.gov.vn, 2008 Tiếng Việt A. Tổng quan về tiểu mô-đun 1. Mục tiêu của tiểu mô-đun Học xong tiểu môđun

Chi tiết hơn

Bạn Tý của Tôi

Bạn Tý của Tôi Nhớ Sử Xưa Để Trông Về Việt Nam Hôm Nay TRẦN HƯNG Thế Tổ Gia Long sau khi thống nhất sơn hà đã đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam(1802). Nối tiếp ông, các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lần lượt

Chi tiết hơn

Đoàn Viết Hoạt và sứ mệnh xương rồng Đỗ Thái Nhiên So với các loài thực vật khác, xương rồng là loại cây có sức chịu đựng cao cấp nhất và trường kỳ nh

Đoàn Viết Hoạt và sứ mệnh xương rồng Đỗ Thái Nhiên So với các loài thực vật khác, xương rồng là loại cây có sức chịu đựng cao cấp nhất và trường kỳ nh Đoàn Viết Hoạt và sứ mệnh xương rồng Đỗ Thái Nhiên So với các loài thực vật khác, xương rồng là loại cây có sức chịu đựng cao cấp nhất và trường kỳ nhất đối với mọi tình huống khắc nghiệt của đất đai và

Chi tiết hơn

LÔØI TÖÏA

LÔØI TÖÏA ĐỪNG MẤT THỜI GIAN VÌ NHỮNG ĐIỀU VỤN VẶT Nguyên tác Don t Sweat the Small Stuff with Your Family RICHARD CARLSON Nguyễn Minh Tiến dịch Những bí quyết đơn giản giúp bạn có được cuộc sống hạnh phúc trong

Chi tiết hơn

chulangnghiem.com Kinh Đại Phật Đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ-Tát Vạn Hạnh Để Tu Chứng Liễu Nghĩa (Kinh Lăng Nghiêm) Quyển 4

chulangnghiem.com Kinh Đại Phật Đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ-Tát Vạn Hạnh Để Tu Chứng Liễu Nghĩa (Kinh Lăng Nghiêm) Quyển 4 Kinh Đại Phật Đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ-Tát Vạn Hạnh Để Tu Chứng Liễu Nghĩa (Kinh Lăng Nghiêm) Quyển 4 Lúc bấy giờ Tôn giả Phú-lâu-na-di-đa-la-ni Tử đang ở giữa đại chúng,

Chi tiết hơn

Phong thủy thực dụng

Phong thủy thực dụng Stephanie Roberts PHONG THỦY THỰC DỤNG Bản quyền tiếng Việt Công ty Sách Alpha NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG XÃ HỘI Dự án 1.000.000 ebook cho thiết bị di động Phát hành ebook: http://www.taisachhay.com Tạo ebook:

Chi tiết hơn

KINH PHÁP CÚ Illustrated Dhammapada Illustrations by Mr. P. Wickramanayaka Tâm Minh Ngô Tằng Giao CHUYỂN DỊCH THƠ

KINH PHÁP CÚ Illustrated Dhammapada Illustrations by Mr. P. Wickramanayaka Tâm Minh Ngô Tằng Giao CHUYỂN DỊCH THƠ KINH PHÁP CÚ Illustrated Dhammapada Illustrations by Mr. P. Wickramanayaka Tâm Minh Ngô Tằng Giao CHUYỂN DỊCH THƠ KINH PHÁP CÚ MINH HỌA: Mr. P. Wickramanayaka (Illustrated Dhammapada) CHUYỂN DỊCH THƠ:

Chi tiết hơn

Em hãy tưởng tượng và kể lại một cuộc gặp gỡ với một trong các nhân vật cổ tích hoặc truyền thuyết

Em hãy tưởng tượng và kể lại một cuộc gặp gỡ với một trong các nhân vật cổ tích hoặc truyền thuyết Em hãy tưởng tượng và kể lại một cuộc gặp gỡ với một trong các nhân vật cổ tích hoặc truyền thuyết Author : vanmau Em hãy tưởng tượng và kể lại một cuộc gặp gỡ với một trong các nhân vật cổ tích hoặc truyền

Chi tiết hơn

Thuyết minh về Phố Cổ Hội An

Thuyết minh về Phố Cổ Hội An Thuyết minh về Phố Cổ Hội An Author : elisa Thuyết minh về Phố Cổ Hội An - Bài số 1 Hội An - địa danh đã gắn liền với quá khứ nổi bật về sự giao lưu của nhiều nền văn hóa: Việt, Nhật, Hoa; một đô thị gắn

Chi tiết hơn

Hãy để mọi chuyện đơn giản - Tolly Burkan

Hãy để mọi chuyện đơn giản - Tolly Burkan Dịch giả: Kỳ Thư Lời tựa Cho dù bạn đang ở đâu trên trái đất này, nơi núi non hùng vĩ hay ở chốn phồn hoa đô hội, trên thiên đường hay dưới địa ngục, thì bạn cũng chính là người tạo dựng nên cuộc sống

Chi tiết hơn

QUI SƠN CẢNH SÁCH Tác-Giả: Đại-Viên Thiền-Sư. Dịch Giả: HT.Tâm-Châu Nguồn Chuyển sang ebook Người thực hiện : Nam T

QUI SƠN CẢNH SÁCH Tác-Giả: Đại-Viên Thiền-Sư. Dịch Giả: HT.Tâm-Châu Nguồn   Chuyển sang ebook Người thực hiện : Nam T QUI SƠN CẢNH SÁCH Tác-Giả: Đại-Viên Thiền-Sư. Dịch Giả: HT.Tâm-Châu Nguồn http://thuvienhoasen.org Chuyển sang ebook 13-7-2009 Người thực hiện : Nam Thiên namthien@gmail.com Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org

Chi tiết hơn

Kính thưa Quý Độc Giả các Diễn Đàn, TCDV vừa nhận được bài viết này do chiến hữu Đỗ Như Quyên, binh chủng BĐQ/QLVNCH, hiện đang sinh sống tại Hạ Uy Di

Kính thưa Quý Độc Giả các Diễn Đàn, TCDV vừa nhận được bài viết này do chiến hữu Đỗ Như Quyên, binh chủng BĐQ/QLVNCH, hiện đang sinh sống tại Hạ Uy Di Kính thưa Quý Độc Giả các Diễn Đàn, TCDV vừa nhận được bài viết này do chiến hữu Đỗ Như Quyên, binh chủng BĐQ/QLVNCH, hiện đang sinh sống tại Hạ Uy Di (Hawaìi, Honolulu, USA) gởi cho toà soạn, trong bài

Chi tiết hơn

GẶP GỠ TUỔI TRẺ Nói chuyện với sinh viên khoa Sử, Ðại học Sư phạm Vinh 1999 HT.Thiện Siêu ---o0o--- Nguồn Chuyển sang ebook 8

GẶP GỠ TUỔI TRẺ Nói chuyện với sinh viên khoa Sử, Ðại học Sư phạm Vinh 1999 HT.Thiện Siêu ---o0o--- Nguồn   Chuyển sang ebook 8 GẶP GỠ TUỔI TRẺ Nói chuyện với sinh viên khoa Sử, Ðại học Sư phạm Vinh 1999 HT.Thiện Siêu ---o0o--- Nguồn http://thuvienhoasen.org Chuyển sang ebook 8-8-2009 Người thực hiện : Nam Thiên namthien@gmail.com

Chi tiết hơn

Phân tích bài thơ “Đàn ghi-tar của Lor ca” của Thanh Thảo – Văn hay lớp 12

Phân tích bài thơ “Đàn ghi-tar của Lor ca” của Thanh Thảo – Văn hay lớp 12 Phân tích bài thơ "Đàn ghi-tar của Lor ca" của Thanh Thảo - Văn hay lớp 12 Author : Hồng Thắm Phân tích bài thơ "Đàn ghi-tar của Lor ca" của Thanh Thảo - Bài làm 1 Thanh Thảo là nhà thơ có tiếng nói riêng,

Chi tiết hơn

Kinh Từ Bi

Kinh Từ Bi Kinh Từ Bi Ni sư Ayya Khema Diệu Liên-LTL chuyển ngữ 1 Người hằng mong thanh tịnh: Nên thể hiện pháp lành, Có khả năng, chất phác, Hiền hòa, không kiêu mạn. Sống dễ dàng, tri túc, Thanh đạm không rộn ràng,

Chi tiết hơn

Uû Ban Nh©n D©n tp Hµ néi Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam

Uû Ban Nh©n D©n tp Hµ néi Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO KHÁNH HÒA TRƯỜNG THPT PHAN BỘI CHÂU ĐỀ TÀI NÂNG CAO HỨNG THÚ VÀ KẾT QUẢ HỌC TẬP PHẦN II LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI TỪ NĂM 1917 ĐẾN NĂM 1945 (LỊCH SỬ 11) BẰNG PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG SƠ ĐỒ

Chi tiết hơn

Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát

Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát Author : vanmau Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát Bài làm 1 Cao Bá Quát là một nhà nho nổi tiếng học giỏi và viết chữ đẹp nhưng

Chi tiết hơn

Microsoft Word - suongdem05.doc

Microsoft Word - suongdem05.doc CHƯƠNG V "Em đã biết bao ngày bên em, là anh đã có bấy nhiêu ngày yêu em. Nhưng em vẫn ngây thơ không biết tình anh thầm yêu em, nên tim đau rã rời Anh đã thấy bao người yêu em. Tình anh nhức nhối thinh

Chi tiết hơn

Thiền tông và Tịnh độ tông - chỗ gặp gỡ và không gặp gỡ

Thiền tông và Tịnh độ tông - chỗ gặp gỡ và không gặp gỡ Thế thì dù niệm Phật, hay tu Thiền quán mà tâm chuyên chú an định từ một ngày cho đến bảy ngày thì nhất định người đó đạt được đạo quả. Tu Tịnh thì được thấy Phật, còn tu Thiền thì chứng từ sơ quả đến

Chi tiết hơn

SÁCH TRÒ CHƠI AWANA

SÁCH TRÒ CHƠI AWANA SÁCH TRÒ CHƠI AWANA SÁCH TRÒ CHƠI Awana International 1 East Bode Road Streamwood, Illinois 60107-6658 U.S.A. www.awana.org InternationalProgram@awana.org 2004 Awana Clubs International. All rights reserved.

Chi tiết hơn

Cảm nhận về bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 11

Cảm nhận về bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 11 Cảm nhận về bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh - Văn mẫu lớp 11 Author : qt Cảm nhận về bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh - Bài làm 1 của một bạn học sinh chuyên Văn trường THPT Nguyễn Khuyến

Chi tiết hơn

Kinh Niệm Phật Ba La Mật - 4

Kinh Niệm Phật Ba La Mật - 4 PHẨM THỨ TƯ XƯNG TÁN DANH HIỆU Bấy giờ, Quốc mẫu Vi-Đề-Hy hoàng thái hậu từ trong pháp hội bước ra, cung kính đảnh lễ Thế-Tôn, rồi chấp tay hướng về ngài Phổ-Hiền Đại Bồ-Tát, mà thưa rằng: - Kính bạch

Chi tiết hơn

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LỐI SỐNG ĐẸP

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LỐI SỐNG ĐẸP NGHI LUÂ N XA HÔ I VÊ LÔ I SÔ NG ĐE P ĐÊ : Hãy hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn. Gợi ý làm bài + Yêu cầu về kĩ năng: Đáp ứng được yêu cầu của bài văn Nghị luận xã hội. Bố cục hợp

Chi tiết hơn

Tùng, Một Chỗ Ngồi Dưới Chân Cầu Thang _ (Nguyễn Vĩnh Nguyên) (Tạp ghi)

Tùng, Một Chỗ Ngồi Dưới Chân Cầu Thang _ (Nguyễn Vĩnh Nguyên) (Tạp ghi) TÙNG, MỘT CHỖ NGỒI DƯỚI CHÂN CẦU THANG SGTT Xuân 2013 - Tùng có một không gian chính, nhiều người biết. Và một góc phụ khiêm cung nằm khuất phía sau quầy phục vụ, ít ai ngồi. Không biết ngày trước thì

Chi tiết hơn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG VŨ VĂN HƯNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG L

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG VŨ VĂN HƯNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG L BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG VŨ VĂN HƯNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG LUẬN VĂN THẠC SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA Khóa 6 (2016-2018)

Chi tiết hơn

Microsoft Word - donngonhapdaoyeumon-read.doc

Microsoft Word - donngonhapdaoyeumon-read.doc LỜI NÓI ĐẦU Trước đây chúng tôi đã cho ra tập Thiền Căn Bản, do các Thiền sư y trong kinh rút ra phương pháp tu thiền theo thứ lớp từ thấp lên cao. Đến tập này để tên là Thiền Đốn Ngộ, căn cứ vào các tác

Chi tiết hơn

Great Disciples of the Buddha

Great Disciples of the Buddha VISĀKHĀ Tỳ-khưu Bodhi Thuở nọ trong thành Bhaddiya xứ Aṅga có một phú gia tên Meṇḍaka. Trong một kiếp quá khứ, vào thời mọi người dân đều bị đói kém, ông đã phát tâm dâng cúng hết phần thực phẩm sau cùng

Chi tiết hơn

Microsoft Word - CXLKTS-Mat_ Tran_ Van_ Hoa_ Giua_ Ta_ va_ Tau U.doc

Microsoft Word - CXLKTS-Mat_ Tran_ Van_ Hoa_ Giua_ Ta_ va_ Tau U.doc Mặt Trận Văn Hóa Giữa Ta và Tàu Hiện nay thủ đoạn thâm độc nhất của Tàu Cộng là mưu đồ thực hiện sách lược đồng hóa dân tộc Việt Nam vào dân tộc Tàu qua mặt trận văn hóa như họ đã Hoa hóa các tộc Bách

Chi tiết hơn

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương – Bài tập làm văn số 2 lớp 11

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương – Bài tập làm văn số 2 lớp 11 Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương - Bài tập làm văn số 2 lớp 11 Author : hanoi Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài

Chi tiết hơn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN THƠ

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN THƠ I. PHẦN LÝ THUYẾT: (2,0 điểm) Câu 1: (1,5 điểm) Tìm những yếu tố nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của chúng: Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca

Chi tiết hơn

Microsoft Word - Hmong_Cultural_Changes_Research_Report_2009_Final_Edit.doc

Microsoft Word - Hmong_Cultural_Changes_Research_Report_2009_Final_Edit.doc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò Biến đổi văn hóa và phát triển: KHẢO CỨU BAN ĐẦU Ở CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG TẠI HÒA BÌNH Nguyễn Thị Hằng (Tập đoàn HanoiTC) Phan Đức

Chi tiết hơn

LỜI NÓI ĐẦU Ebook miễn phí tại : Khi tình yêu đồng nghĩa với đau khổ, nghĩa là bạn đang yêu mù quáng. Khi phần lớn những cuộc trò chuy

LỜI NÓI ĐẦU Ebook miễn phí tại :   Khi tình yêu đồng nghĩa với đau khổ, nghĩa là bạn đang yêu mù quáng. Khi phần lớn những cuộc trò chuy LỜI NÓI ĐẦU Ebook miễn phí tại : www.sachvui.com Khi tình yêu đồng nghĩa với đau khổ, nghĩa là bạn đang yêu mù quáng. Khi phần lớn những cuộc trò chuyện của bạn với người thân, bạn bè đều xoay quanh anh

Chi tiết hơn

CHƯƠNG I

CHƯƠNG I PHẦN I Vương Lan rời phòng ông Thành, khuôn mặt thanh tú của cô ỉu xìu như con mèo bị cắt râu. Ba mới về hôm qua thì hôm nay lại tìm ra chuyện để mắng cô. Từ đó giờ là vậy, y như rằng mỗi lần ba đi xa

Chi tiết hơn

Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An Biến dời cuộc thế thình lình,* Thiện tồn ác thất Thiên đình số phân. Vần xây thế giái {giới} phàm trần, Sự mình không

Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An Biến dời cuộc thế thình lình,* Thiện tồn ác thất Thiên đình số phân. Vần xây thế giái {giới} phàm trần, Sự mình không Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An Biến dời cuộc thế thình lình,* Thiện tồn ác thất Thiên đình số phân. Vần xây thế giái {giới} phàm trần, Sự mình không biết mưu thâm ở người. Hư nên nhờ phận Phật Trời, Non

Chi tiết hơn

doc-unicode

doc-unicode NÓI CHUYỆN VỚI LỚP GIẢNG SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Giảng tại Thiền viện Quảng Đức (Văn phòng II) - 2000. Cùng tất cả Tăng Ni giảng sư, hôm nay tôi được Ban Hoằng Pháp mời giảng giải cho quý vị một buổi.

Chi tiết hơn

An Quang Van Sao Tam Bien - Q1 - Nhu Hoa Chuyen Ngu

An Quang Van Sao Tam Bien - Q1 - Nhu Hoa Chuyen Ngu Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang Ấn Quang Đại Sư Nguồn http://www.niemphat.net Chuyển sang ebook 10-6-2009 Người thực hiện : Nam

Chi tiết hơn

Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Đời Ðường, Tam Tạng Pháp Sư Xoa Nan Ðà, Người nước Vu Ðiền dịch từ Phạm Văn qua Hoa Văn Việt Dịch:

Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Đời Ðường, Tam Tạng Pháp Sư Xoa Nan Ðà, Người nước Vu Ðiền dịch từ Phạm Văn qua Hoa Văn Việt Dịch: Kinh Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Đời Ðường, Tam Tạng Pháp Sư Xoa Nan Ðà, Người nước Vu Ðiền dịch từ Phạm Văn qua Hoa Văn Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Minh Lễ ---o0o--- Nguồn http:// www.niemphat.net

Chi tiết hơn

Document

Document Chương 9 Hôm đó sau khi trở về, Tùy An Nhiên không ngừng suy nghĩ, rốt cuộc là người như thế nào, lại có thể khiến cho một người luôn ôn hòa nhưng không bao giờ bận tâm như Ôn Cảnh Phàm để ý đến, thậm

Chi tiết hơn

MỞ ĐẦU

MỞ ĐẦU ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HỒ HỮU NHẬT ẢNH HƯỞNG VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG TRUYỆN THIẾU NHI VIỆT NAM 1975-2010 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM HUẾ - NĂM 2018 ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

Chi tiết hơn

Pha Lê vừa đi lên phòng , cô bắt gặp Ngọc Bạch đang đứng nơi góc hành lang nói chuyện điện thoại với ai đó

Pha Lê vừa đi lên phòng , cô bắt gặp Ngọc Bạch  đang đứng nơi góc hành lang nói chuyện điện thoại với ai đó PHẦN VII Nghi Xuân quẹo phải, rẽ trái rồi lại quẹo phải, cô đi vòng vo như thế đến mỏi nhừ cả chân. Nép vào một góc, cô nín thở. Cái đuôi theo sau cô không còn bám theo nữa. Cởi cái áo đen khoác ngoài

Chi tiết hơn

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (NGUYỄN TUÂN) I. Kiến thức cơ bản: 1. Tác giả: ( Kết hợp với đề: Anh ( chị) hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễ

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (NGUYỄN TUÂN) I. Kiến thức cơ bản: 1. Tác giả: ( Kết hợp với đề: Anh ( chị) hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễ CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (NGUYỄN TUÂN) I. Kiến thức cơ bản: 1. Tác giả: ( Kết hợp với đề: Anh ( chị) hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân ) -Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học

Chi tiết hơn