NGƯỜI CHIẾN SĨ KHÔNG QUÂN PHỤC Tam Bách Đinh Bá Tâm Tôi vốn xuất thân trong một dòng tộc mà ba thế hệ đều có người làm quan văn và không vị nào theo b

Tài liệu tương tự
1 Triệu Châu Ngữ Lục Dịch theo tài liệu của : Lư Sơn Thê Hiền Bảo Giác Thiền Viện Trụ Trì Truyền Pháp Tứ Tử Sa Môn Trừng Quế Trọng Tường Định. Bản khắ

SÓNG THẦN PHAN RANG MX Tây Đô Lâm Tài Thạnh. Theo nhịp sống, người ta tự chọn phương hướng để đi, bằng nhiều cách khác nhau, lưu giữ hay xóa đi quá kh

No tile

Lão Pháp Sư TỊNH KHÔNG đề xướng Pháp Sư THÍCH TỰ LIỄU kính biên NHẬT MỘ ĐỒ VIỄN TRỜI ĐÃ XẾ BÓNG, ĐƯỜNG VỀ CÒN XA Lớp học tập Tịnh Độ Vô Lượng Thọ Khoa

Microsoft Word TÀI LI?U GIÁO D?C CHÍNH TR? TU TU?NG P2.doc

Mấy Điệu Sen Thanh - Phần 4

Thiền Tập Cho Người Bận Rộn

Đôi mắt tình xanh biếc 1 THÍCH THÁI HÒA ĐÔI MẮT TÌNH XANH BIẾC NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA VĂN NGHỆ

Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Hạnh Phúc và Đau Khổ Chư Thiên và loài người Suy nghĩ về hạnh phúc Ước mong được hạnh phúc Chân hạnh phúc là gì? (1) Bốn câu thi kệ này được trích tro

Document

Chiều Trên Phá Tam Giang Trần Thiện Thanh Chiều Trên Phá Tam Giang anh chợt nhớ em nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận em ơi! em ơi! Giờ này thươn

SÓNG THẦN Đất cát không biết khóc, chỉ có người khóc thương tiếc đồng đội thuở sống chết và sát cánh nhau trên một chiến tuyến của chiến trường xưa cũ

Pha Lê vừa đi lên phòng , cô bắt gặp Ngọc Bạch đang đứng nơi góc hành lang nói chuyện điện thoại với ai đó

Chương 16 Kẻ thù Đường Duyệt càng hoài nghi, không rõ họ đang giấu bí mật gì. Tại sao Khuynh Thành không ở bên cạnh nàng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì

Tình Thương Nhân Loại 1 Điển Mẹ Diêu Trì Rằm tháng sáu Nhâm Thìn, 2012 Nước Việt Nam một miền linh địa Có rồng vàng thánh địa mai sau Nước Nam hơn cả

LỜI RU CHẠM MẶT TRỜI

Thơ cậu Hai Miêng Đêm thu bóng nguyệt soi mành, Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga. Xét trong thế sự người ta, Tài ba cho mấy cũng là như không.

Cướp Biển và Trại Pulau Bidong

Cúc cu

Tháng Tư Đen Và Binh Chủng Mũ Xanh Đại Tá Nguyễn Thành Trí Cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, biệt danh Tango, sinh năm 1935, nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thu

Chọn Vợ Hiền Nguyễn Thị Thanh Dương Anh Tư góa vợ khi tuổi đời còn trẻ. Anh đang đi tìm cho mình một tình yêu mới, một người vợ mới. Đối tượng anh mon

Document

Phần 1

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm DIỆU ÂM (MINH TRỊ) 1

73 năm trôi qua, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc có ý nghĩa sâu sắc. Những ngày mùa Thu tháng Tám của

Document

Phần 1

Đông Giao chau mày, cầm cuốn sách Huy đang xem dở dang để trên bàn lên

Ngày 14/07/1992, lúc 4 giờ sáng rời Sài Gòn để qua Mỹ theo diện HO/10 trên chuyến máy bay United Airline ngừng tại trại tị nạn Thái Lan. Máy bay lên c

THƠ KIỀU PHONG THÁCH NGƯỜI ĐẤU TRANH VỀ NƯỚC (Thơ chiến sĩ Kiều Phong ) Có cơ hội ngẩng cao đầu, tại sao lại cúi mặt?! Chỉ những kẻ KHÔNG HỀ BIẾT NHỤC

Phần 1

Em hãy tưởng tượng và kể lại một cuộc gặp gỡ với một trong các nhân vật cổ tích hoặc truyền thuyết

Kinh Bat Chu Tam Muoi - HT Minh Le Dich

72. Nghĩa tử là nghĩa tận Trong 9 năm liền, Long không được visa về Việt Nam, dù lâu lâu chàng vẫn thử làm thủ tục xem chính quyền có thay đổi chính s

Bao giờ em trở lại

TÁM QUY LUẬT CỦA NGƯỜI PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN PHẬT HỌC 1. Người dịch phải tự thoát mình ra khỏi động cơ truy tìm danh lợi. 2. Người dịch phải tu dưỡng t

Hãy để mọi chuyện đơn giản - Tolly Burkan

CHƯƠNG 1

Microsoft Word - mua xuan ve muon- Tran Dan Ha

VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA CỘNG SẢN VÀ SỰ PHÂN CHIA LÃNH THỔ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘ

Tác Giả: Cổ Long QUỶ LUYẾN HIỆP TÌNH Hồi 12 Giang Hồ Ân Oán Nhóc trọc đầu và Nhóc mặt rổ chẳng phải quá nhỏ tuổi, có lúc hai gã cũng giống người lớn,

Phân tích bài thơ Xuất Dương lưu biệt của Phan Bội Châu

36

Microsoft Word - VuDucNghiemAnhToi-VTH-Chuong8.doc

ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHÂN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM

HỒI I:

NHÀ THƠ HỮU LOAN, LẦN GẶP MẶT Cung Tích Biền Sau tháng Tư 1975, tôi có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc gặp lẫn gỡ này, cái

VÀI SUY NGHĨ VỀ : VIỆN NGHIÊN CỨU KHỔNG TỬ TẠI VIỆT NAM Trần Văn Chinh I.- SƠ LƯỢC VỀ KHỔNG TỬ : Khổng Tử ( trtc), người làng Xương-bình, phủ D

Tác Giả: Hoàng Thu Dung MỘT NGÀY MÙA ĐÔNG Phần I Thùy Dương đứng một mình trên bãi cát, đưa mắt nhìn xa ra chân trời. Mặt biển xanh ngăn ngắt, trong v

Document

Baûn Tin Theá Ñaïo Soá 128 ngaøy Núi Bà Tây Ninh 1*- Thiệp Mời Tiệc Tân Niên Kỷ Hợi 2019 của Tậy Ninh Đồng Hương Hội - Hoa Kỳ tổ chức ngày 1

Người con dâu của nước Mỹ Người Con Dâu Của Nước Mỹ Lưu Hồng Phúc *** Tác giả, theo bài viết, là quả phụ của một sĩ quan VNCH. Bài viết về nước Mỹ đầu

Document


Phần 1

THÍCH CA PHƯƠNG CHÍ Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

ĐẠO ĐỨC LẻM NGƯỜI

ẨN TU NGẨU VỊNH Tác giả: HT. THÍCH THIỀN TÂM ---o0o--- Nguồn Chuyển sang ebook Người thực hiện : Nam Thiên

1 Những chuyện niệm Phật cảm ứng, nghe được. 1- Sát sanh bị đoản mạng. Tác giả : Cư sĩ Lâm Khán Trị Dịch giả : Dương Đình Hỷ Cổ đức có nói : Tâm có th

Microsoft Word - V doc

Microsoft Word - huythuc-miennam2mua[2]

Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

Document

Soạn Giả Thái Thụy Phong Vũ Thất Theo bài tường trình Nghệ thuật Sân khấu Cải lương 80 năm của soạn giả Nguyễn Phương trên trang nhà của nhạc sư Trần

TRUYỀN THỌ QUY Y

Bình giảng đoạn 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Microsoft Word - doc-unicode.doc

MỘT CÁCH NHÌN VỀ MƯỜI BA NĂM VĂN CHƯƠNG VIỆT NGOÀI NƯỚC ( ) (*) Bùi Vĩnh Phúc Có hay không một dòng văn học Việt ngoài nước? Bài nhận định dướ

MỘT GÓC VƯỜN THƯỢNG UYỂN

Ngô Thì Nhậm, Khuôn Mặt Trí Thức Lớn Thời Tây Sơn Nguyễn Mộng Giác Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Ngô Thì Nhậm là một nhân vất lịch sử gây nhiều tranh lu

TRUNG ÐOÀN 8 BỘ BINH và Trận Chiến AN LỘC (Mùa Hè 1972) Hồi Ký của Chuẩn Tướng MẠCH VĂN TRƯỜNG Nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh Cựu Trung Ðoàn Trưởng

Phát biểu cảm nghĩ của em về người cha – Văn hay lớp 10

thungoguiACEPG_2019JUL25_thu

Từ Mỹ về Rừng Thăm Bạn Lâm Chương Lúc mới đến, tôi hỏi: - Đào hố để làm gì? Anh nói: - Bắt khỉ. Tôi ngạc nhiên: - Bắt khỉ? - Ừ, bắt khỉ. - Để ăn thịt?

Cậu kêu cô bác một lát rồi chờ, Nói giảng nói thơ nói giờ sắp tiệt. Đây rồi ly biệt chia rẽ sạch trơn, Đừng có thua hơn nghe đờn Cậu khảy. Dù ba hay b

Microsoft Word - Ð? NV9.I.1.doc

Microsoft Word - KinhVoLuongTho-Viet

GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG CƠN BÃO CỦA THỜI ĐẠI NGUYỄN HỒNG MAI Gia đình là một thể chế xã hội có tính chất toàn cầu, dù rằng ở quốc gia này, lãnh thổ ki

Microsoft Word - Tinhyeu-td-1minh.doc

Những Đồng Minh Anh Hùng Harry F. Noyes III FB Hoài Nguyễn Cuộc chiến tranh Việt Nam qua đi hơn 40 năm qua nhưng những luận bàn về cuộc chiến này vẫn

Phần 1

nguoiHSI_2019AUG18_sun

Việc hôm nay (cứ) chớ để ngày mai

Lam Te Ngu Luc - HT Nhat Hanh

50 n¨m h¶i qu©n nh©n d©n viÖt nam anh hïng

Hãy tả một loài hoa mà em yêu thích nhất

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Phân tích đoạn trích “Trao duyên” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du


Microsoft Word - thamthienyeuchi-read.doc

Microsoft Word - Chieu o thi tran Song Pha.doc

Phần 1

Cảm nghĩ về bố của em – Văn mẫu lớp 7

Microsoft Word - trachvuphattutaigia-read.docx

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du

CHÚ TƯ PHÚC Buổi pháp thoại chấm dứt bằng ba tiếng chuông ngân dài Mọi người đứng lên lễ Phật, xá thầy và đi ra. Chú Tư Phúc còn lại một mình trong ch

Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Bản ghi:

NGƯỜI CHIẾN SĨ KHÔNG QUÂN PHỤC Tam Bách Đinh Bá Tâm Tôi vốn xuất thân trong một dòng tộc mà ba thế hệ đều có người làm quan văn và không vị nào theo binh nghiệp cả. Từ cụ cố, cụ nội đến ông thân sinh tôi đều phục vụ trong bộ máy hành chánh nhà nước - bắt đầu triều đại nhà Nguyễn đến Đệ Nhất Cộng Hoà với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là thời kỳ miền Nam đất Việt còn thái bình thịnh trị, hiểm họa CS chỉ mới manh nha ở chốn rừng xanh núi thẳm; những nơi khỉ ho cò gáy ở nông thôn- nơi mà bọn cán bộ VC nằm vùng được cài đặt lại sau khi Việt Minh rút về bên kia vỹ tuyến 17. Nhưng đến đời tôi, đất bằng nổi sóng từ khi vị Tổng thống họ Ngô bị bức tử. Sau đó, cuộc chiến Quốc Cộng lan tràn khắp nơi ở Miền Nam khiến mọi thanh niên phải đi tòng quân giết giặc. Đến lúc ấy, tôi thấy cần phải thoát ra khỏi cái tháp ngà văn quan, thoát khỏi chốn quan trường với áo mão cân đai, chỉ biết trị nước an dân bằng giấy bút hơn là dùng gươm súng để dẹp giặc cứu nước. Sau khi đậu Tú tài II, cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, tôi nghĩ đến việc chọn con đường binh nghiệp sao cho xứng hợp với sở thích và ước vọng của mình. Và cũng vì tự hào có chút vốn liếng toán học sau hai năm dùi mài kinh sử ở ban Tú Tài Toán, tôi dự định thi vào binh chủng Hải quân. Những bài hát ca ngợi cuộc sống bồng bềnh tự do mây nước của người lính biển, những bộ quân phục uy nghi trắng toát của người sĩ quan hải quân đã cho tôi thật nhiều thiện cảm và mơ ước về binh chủng này. Tôi đem ước mơ ấy thưa với Mẹ, Mẹ tôi tỏ ý lo ngại. Bà nhắc cho tôi nhớ lại kỷ niệm đáng sợ thuở ấu thơ, một lần ngã xuống ao sâu suýt chết đuối! Tôi vâng lời Mẹ. Ôi thôi! Đành giã biệt mộng trở thành sĩ quan hải quân, đẹp như tài tử xi nê trong phim Mỹ chiếu tại rạp Lê Lợi, Vĩnh Lợi ở Sài gòn thuở ấy! Vỡ mộng làm quan võ, tôi thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn, để nối nghiệp quan văn của cha ông thuở trước. Trong thời gian học lý thuyết ở trường Hành Chánh tại thủ đô, tiếng súng từ những địa phương mất an ninh chỉ vang vọng mơ hồ đến thành phố, qua báo chí truyền thông. Nhưng khi đi thực tập ở các xã ấp xa xôi, tôi mới thấy thảm họa CS đã bắt đầu bộc phát từ vùng thôn quê nghèo khó. Hiểm hoạ ấy về sau lan tràn đến tỉnh thành, theo chủ trương lấy nông thôn bao vây thành thị của CS. Tôi tự nghĩ, khi đất nước xảy ra chiến tranh, những ông quan văn trong tương lai như mình, liệu có an tâm ngồi trong bàn giấy để lo việc trị quốc, mặc cho bom rơi đạn nổ ngoài chiến tuyến, mặc cho bọn giặc Cộng khủng bố giết hại dân lành? Khi đi thực tập ở toà Hành chánh tỉnh Bình Định, nhân dịp tôi về trường để nộp tờ trình thực tập địa phương, anh huynh trưởng đồng môn có nhờ tôi đem về cho cô bạn ở đường Phan Đình Phùng Sài gòn một phong thư dày cộm. Lần theo địa chỉ, tôi lặn lội vào mãi vào khu chợ Vườn Chuối, quận 3 để hoàn tất công việc của một cánh nhạn đưa thư. Nhìn cô chủ nhà, tôi sực nhớ bốn năm trước đây, cô ta đã là bạn học Văn khoa với tôi. Trường Đại Học Văn Khoa lúc ấy toạ lạc ở góc đường Thủ Khoa Huân và Gia Long Sài gòn. Cô này về sau làm Giám đốc một nhật báo lớn, nổi đình nổi đám một thời ở thủ đô Sài gòn, trước năm 1975.

Khi trao phong thư cho cô ta, tôi tự xưng là bạn đồng môn Hành chánh với người chủ lá thư. Cô ta nhận thư, chẳng nói một lời cám ơn, chỉ quay nhìn tôi và nhếch mép hỏi : -Anh cùng học trường Hành Chánh với anh D. à? Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi của cô như một lời tra vấn. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ta nhìn tôi với vẻ khinh bạc khi cô ta hỏi như thế! Tiếp đến, cô ta liền rao giảng một bài công dân giáo dục sơ đẳng : -Trong lúc đất nước đang chiến tranh, bao chiến sĩ bỏ mạng nơi chiến trường, mà các anh lại theo học trường Hành chánh. Để ra làm quan như thời bình à? Bị chạm tự ái, tôi phản ứng lại- dài dòng hơn bài học ngắn ngủi của cô ta: -Chắc chị còn nhớ trước đây tôi cũng vào học Văn Khoa như chị? Đó là lúc tôi muốn trốn tránh cuộc chiến đang bắt đầu ở nông thôn. Nhưng nay, cuộc chiến đã lan tràn khắp Miền Nam, nguy cơ mất nước đến nơi rồi. Cho nên tôi phải bỏ văn khoa, xếp bút nghiên thi phú thi vào trường Hành chánh để học phương cách xây dựng đất nước, phương thức chống Cộng hữu hiệu Và sau khi ra trường, chúng tôi cũng sẽ về làm việc ở nông thôn, ổn định lại những nơi quân đội đã đánh đuổi giặc Cộng, lo việc bình định và phát triển... Tốt nghiệp Khoá Đốc sự Hành chánh Sài gòn năm 1967, cùng với các tân khoa, tôi trình diện tại quân trường Quang Trung, theo học khoá huấn luyện chín tuần huấn nhục như một tân binh quân dịch. Sau đó chúng tôi nhập học khoá 1/68 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Đây là khoá sĩ quan trừ bị đầu tiên thụ huấn tại hai quân trường: Quan Trung và Thủ Đức. Đã năm mươi năm trôi qua, hình ảnh đêm mãn khoá ở Vũ Đình Trường Thủ Đức vẫn còn lưu lại trong ký ức của tôi, với bộ lễ phục uy nghiêm, bên vai có dấu hiệu ngọn lửa đỏ quấn quít thanh kiếm chỉ huy, bên dưới có bốn chữ CƯ AN TƯ NGUY. Sau ngày lễ mãn khoá đáng nhớ ấy, những sinh viên tốt nghiệp trường Hành Chánh Sài Gòn như chúng tôi, được biệt phái về Bộ Nội vụ để chọn nhiệm sở Trong suốt bảy năm phục vụ trong guồng máy hành chánh tại các quận Lộc Ninh, Định Quán, Xuân Lộc tôi đã xếp bộ quân phục trường bộ binh Thủ Đức, cất giữ kỷ niệm đáng nhớ, đáng hãnh diện ấy vào ngăn tủ. Mãi đến gần bảy năm sau, tôi mới có dịp mang ra sử dụng. Nhưng đó là lần cuối cùng trong cuộc đời hoạn lộ ngắn ngủi của tôi đầu tháng Tư năm 1975! ***** Tôi về nhận nhiệm sở quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh vào năm cuối 1973. Đến đầu tháng 4 năm 1975, tình hình an ninh tại đây bắt đầu căng thẳng sau khi quận Định Quán thất thủ (17-3-1975). Thêm vào đó, áp lực của toàn bộ quân CS Bắc Việt từ Cao nguyên và miền Trung tập trung về đây để chuẩn bị tấn công Sài gòn. Thế rồi vào buổi sáng tinh sương ngày 9-4-1975, khi người dân thị trấn Xuân Lộc vừa thức giấc, chuẩn bị một ngày mới đầy lo âu, căng thẳng do những tin tức chiến sự tiêu cực của báo chí Sài gòn loan đi, cũng như những tin tức bi quan của đài BBC lúc bấy giờ, Cộng quân bắt đầu pháo kích ào ạt vào thị xã Xuân Lộc. Bằng chiến thuật tiền pháo hậu xung, chúng nã hàng nghìn quả đạn trọng pháo vào thị trấn bé nhỏ này, đồng thời bộ binh của chúng tiến sát vào thành phố. Khi cơn pháo kích vừa dứt, tôi nhét vội vài bộ quần áo vào túi hành trang và vẫn không quên bộ quân phục của quân trường Thủ Đức! Không thể chờ người tài xế xe Quận đến nhà chở đi làm như thường lệ, tôi vội lên xe phóng nhanh đến văn phòng Quận Xuân Lộc cách

nhà non hai cây số. Trên đường đi, tôi chứng kiến nhiều căn nhà người dân bị trúng pháo kích sụp đổ hay bốc cháy Khi đến trước Chi khu Xuân Lộc, tôi bấm kèn cho người lính gác mở cửa, và cho xe chạy sát vào văn phòng hành chánh. Các trưởng ban, nhân viên văn phòng đều có mặt đông đủ. Mọi người thấy tôi lái xe đến an toàn đều tỏ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ. Tôi vào hầm viễn thông của quận để nghe ngóng tin tức. Toà Hành chánh đã bị trúng pháo kích, các nhân viên, trưởng Ty Sở và cả ông Phó tỉnh trưởng - người đồng môn Hành chánh của tôi - đã di tản về Sài gòn. Sau này phối kiểm tin tức, tôi mới biết họ đã đi bằng đường bộ, băng qua các nương rẫy thật nguy hiểm, gian nan Tại văn phòng quận Xuân Lộc, các cán bộ, nhân viên và cả các trưởng ban - kể cả một sỹ quan phụ trách Nhân Dân Tự Vệ đều đem chăn chiếu, áo quần vào ứng trực ngày đêm tại trụ sở văn phòng quận. Riêng tôi, buổi tối vào ngủ trong hầm viễn thông quận, bên cạnh máy móc truyền tin cùng hai nhân viên trực máy. Mỗi khi nghe tiếng pháo kích, tất cả nhân sự làm việc trong văn phòng đều chạy vào trú ẩn trong hầm vĩễn thông chật chội nhưng an toàn Sau bốn ngày chịu đựng cuộc ác chiến, dân chúng tại thành phố Xuân Lộc bắt đầu thiếu thốn lương thực. Thêm nữa, đồng bào từ các vùng quanh thị xã đều chạy về tỵ nạn tại ấp Cẩm Tâm, cạnh văn phòng quận Xuân Lộc. Ngày 11-4-1975, Bộ Xã Hội cho chở bằng máy bay với hai tấn gạo và lương khô đến cứu trợ. Hằng ngày, để phân phối những thực phẩm ấy, chúng tôi huy động tất cả nhân viên, cán bộ trong văn phòng Quận, thực hiện việc cấp phát nhanh chóng cho đồng bào chiến nạn. Mỗi buổi chiều, khi công tác cấp phát tạm ngưng, tôi yêu cầu các nhân viên, cán bộ thay phiên nhau về chăm sóc gia đình; và sáng sớm hôm sau trở lại văn phòng làm việc, tiếp tục công tác cứu trợ. Nhưng tất cả đều từ chối lời đề nghị của tôi. Họ ở lại văn phòng, làm việc ban ngày, tối đến thay phiên canh gác; luân phiên đi đến các cửa hiệu tạp hoá để mua tương chao, mắm muối. Có người còn ghé về nhà hái rau trong vườn đem vào nấu nướng ăn chung với chúng tôi. Sau này, mỗi khi nhớ lại trận chiến kinh hoàng tại Xuân Lộc năm xưa, tôi không quên được hình ảnh thân ái của những bữa cơm đạm bạc nhưng nặng tình thầy trò giữa cấp chỉ huy và nhân viên hành chánh tại văn phòng Quận. Thật chẳng khác chi tình huynh đệ chi binh trong quân đội! Một hôm, khi tiếng súng tạm lắng dịu, Đại tá Tỉnh trưởng cùng phái đoàn Tiểu khu Long Khánh đến thanh sát Chi khu Xuân Lộc. Sau đó vị chỉ huy đầu Tỉnh đến văn phòng Quận gặp tôi: - Ông Phó chỉ thị cho tất cả công chức, sỹ quan biệt phái, cán bộ trong Quận phải luôn trong tư thế ứng trực trăm phần trăm! Tuyệt đối không được nghỉ ở nhà, lấy cớ ốm đau để bỏ nhiệm sở. Ông Đại tá nhìn tôi và Trung úy N. ngồi bên cạnh, nói tiếp : - Nên nhớ: các ông là sỹ quan biệt phái! Nếu ai bỏ trốn về Sài gòn, tôi sẽ truy tố ra Toà Án Quân Sự! Bỗng nhiên tôi cảm thấy tự ái cá nhân bị tổn thương trầm trọng, trước những nghi ngờ vô căn cứ, những lời đe doạ hằn học của vị sĩ quan đầu tỉnh. Tôi bèn đứng lên giãi bày:

- Thưa Đại tá, chúng tôi là những công chức Nhà Nước, những cán bộ hành chánh về làm việc tại quận này, chúng tôi không bao giờ bỏ đồng bào chiến nạn chạy lấy một mình! Riêng cá nhận tôi còn trách nhiệm với cả kho gạo để cấp phát cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn là những Sĩ quan Biệt phái, phải ở lại để cùng chiến đấu với anh em quân nhân Xin Đại Tá yên tâm! Tôi còn nhớ câu nói của một hiền triết Trung Hoa ngày xưa, đại ý: Người chiến sĩ oai hùng không phải chỉ vì lòng can đảm hơn người, mà vì giáp trụ uy nghi, gươm giáo sáng ngời Nhưng, những Sỹ quan Biệt phái như chúng tôi, không lon lá cấp hiệu sáng ngời trên vai, không huy chương lấp lánh trên ngực áo, không quân phục oai nghi hùng dũng. Chúng tôi chỉ mang trong lòng một hoài bão: phục vụ Nhân dân, xây dựng một đất nước Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường! Đã có biết bao Cán bộ Hành chánh năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, ngày đêm phục vụ trên khắp nẻo đường đất nước, đối đầu với biết bao hiểm nguy đêm ngày! Và cũng không ít Cán bộ Hành chánh đã anh dũng hy sinh tại các nhiệm sở địa phương, bởi đạn pháo kích của địch, hay bị phục kích trên đường đi công tác tại xã ấp mất an ninh Mang danh là Sỹ quan Biệt phái, chúng tôi chỉ là những chiến sỹ không quân phục, những sỹ quan không binh lính. Tuy thế, chúng tôi vẫn luôn hoàn tất mọi nhiệm vụ, trong mọi lãnh vực, mọi tình huống đất nước ***** Mặt trận Xuân Lộc vẫn bừng bừng khói lửa. Xe bọc thép của hai bên - M48 của quân lực VNCH và T54 của Cộng quân - vẫn quần thảo bắn nhau dữ dội trong rừng cao su quanh thị trấn Xuân Lộc. Nhiều chiếc xe bọc thép T54 của Cộng quân đã bỏ xác gần chợ khi chúng tấn công vào thành phố. Bộ binh của Sư đoàn 18 và các đơn vị quân đội tăng phái vẫn tiếp tục chống trả mãnh liệt với Cộng quân và đẩy lui chúng ra khỏi thành phố. Các phi tuần phản lực F-5 yểm trợ rất hữu hiệu. Cộng quân tổn thất nặng nề sau nhiều ngày giao tranh, khiến sau này trong hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng phải thú nhận Tuy nhiên một biến cố bất ngờ đã xảy ra. Đó là lệnh di tản khỏi Xuân Lộc! Sáng sớm ngày 20 tháng Tư năm1975, Thiếu tá Quận trưởng ghé qua văn phòng tôi đang làm việc, cho biết phải lên Bộ Chỉ huy Sư đoàn 18- do tướng Lê Minh Đảo làm Tư lệnh Sư đoàn và chỉ huy mặt trận Xuân Lộc. Sau đó, Thiếu tá Quận trưởng trở về, hấp tấp bước sang văn phòng tôi cho biết nội dung buổi họp trưa hôm ấy: - Theo lệnh của Tướng Lê Minh Đảo, tất cả các lực lượng tại đây chuẩn bị rút về Biên Hoà để lập phòng tuyến mới, bảo vệ thủ đô Sài gòn. Theo lịch trình di tản, Tiểu khu Long Khánh và Chi khu /Quận Xuân Lộc bắt đầu đi từ 12 giờ đêm. Lộ trình sẽ là Liên Tỉnh lộ 2, di chuyển qua mật khu Bình Giã của VC, để đến Phước Lễ, địa đầu của tỉnh Phước Tuy, cách Xuân Lộc độ 30 cây số đường trường! Với vẻ mặt căng thẳng, Thiếu tá Quận trưởng nói tiếp: -Ông Phó bảo tài xế xe quận đổ xăng đầy bình, chuẩn bị di tản trong vòng năm mươi cây số! Xe chỉ nên chở các Trưởng ban và nhân viên văn phòng Quận có gia đình ở Sài gòn. Nhớ đem theo vũ khí cá nhân, đạn dược, nước uống và lương thực khô để phòng khi phải chiến đấu trên đường rút lui Đến 12 giờ đêm, chúng ta khởi hành theo đoàn di tản. Ông yêu cầu mọi người chuẩn bị nhanh lên nhé!

Tôi cho tập họp tất cả nhân sự trong văn phòng quận, chuyển lệnh di tản khỏi mặt trận Xuân Lộc bắt đầu từ khuya hôm nay. Những anh em có gia đình tại địa phương, lưu luyến chia tay với chúng tôi để kịp về nhà đưa gia đình di tản. Riêng vài trưởng ban trong đó có Trung úy N. - cũng vội thu xếp hành trang để chuẩn bị ra đi. Sau khi hỏi ý kiến Thiếu tá Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng, tôi cử Trung úy N. liên lạc với chi khu để xin cung cấp nón sắt, quân phục. Đồng thời cho mở kho vũ khí Nhân Dân Tự Vệ để lấy súng Carbin và đạn dược, phân phát cho mọi người Tôi vào hầm viễn thông, vội thu xếp hành trang gồm vài bộ quần áo, giấy tờ, ấn tín của quận.. Tôi tần ngần nhìn bộ quân phục đã cất giữ trong bảy năm qua, kể từ ngày mãn khóa sĩ quan Thủ Đức năm 1968, biệt phái về lại ngành hành chánh, và trở thành người chiến sĩ không quân phục. Nhưng hôm nay, chúng tôi sắp đối đầu với với muôn vàn hiểm nguy trên đường di tản, tôi quyết định mặc bộ quân phục này để sát cánh chiến đấu cùng anh em chiến sĩ trên đường rút khỏi mặt trận, trong cơn lửa đạn ngút trời gần nửa tháng qua Xong bữa ăn tối, tôi vào hầm viễn thông thay y phục dân cự, mặc vào bộ quân phục sĩ quan Thủ Đức, rồi bước ra xe đợi giờ di hành. Mọi người nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Trung úy N. đến gần thân mật hỏi tôi: -Ông Phó cũng là sĩ quan Thủ Đức à! Lâu nay chúng tôi cứ tưởng ông là công chức thuần túy! Ông ra trường Thủ Đức năm nào mà quân phục còn mới cáu cạnh vậy? Tôi thân mật đáp lời người sĩ quan trưởng ban NDTV, người mà trong thời gian qua, luôn tận tâm trong mọi công tác tôi giao phó : -Tôi tốt nghiệp khoá 1/68 sĩ quan Thủ Đức anh N. à! Thế còn anh? Trung úy N. - từng là một sĩ quan bị thương ở mặt trận được giải ngũ trước khi về làm việc ở quận - đứng phắt dậy chào tôi. Anh lễ phép đáp: - Thưa huynh trưởng. tôi tốt nghiệp khoá 2/1970 (Ghi chú: Hình tân sĩ quan Đinh Bá Tâm (thứ hai từ trái) sau khi mãn khóa ở quân trường Thủ Đức 1968)--------- ------------------------

Xong phần giới thiệu, hai cựu sinh viên sỹ quan Thủ Đức thân mật bắt tay nhau. Tình huynh đệ chi binh hiện rõ trên ánh mắt của họ. Mọi người cùng vui cười, quên đi những giờ phút hiểm nguy trên đường di tản suốt 30 cây số sắp tới Tôi yêu cầu mọi người tập trung lại, đội nón sắt, nạp đạn vào súng, khoá chốt an toàn và lên xe chờ giờ di tản. Đến 12 giờ, xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng Chi khu, đã nghe tiếng B40 nổ ì ầm ở vòng rào phòng thủ. Anh tài xế xe quận vội đạp hết ga, phóng xe thẳng ra đường lộ, nhập vào đoàn quân xa đang di chuyển Trên Liên Tỉnh lộ 2, đồng bào lũ lượt gồng gánh, bế bồng nhau theo chân người lính di tản. Cả một quanh cảnh bi hùng diễn ra trong đêm tối. Một dòng quân xa, bộ binh, dân chúng tất cả đều lặng lẽ âm thầm đi dưới ánh sao đêm! Không một ánh đèn, không một cảnh tượng ồn ào hỗn loạn! Chỉ có tiếng rì rầm của quân xa, tiếng cót két của xe tăng M48 hộ tống đoàn di tản. Thỉnh thoảng chỉ thấy ánh lửa pháo kích của địch lóe lên phía sau chúng tôi Người tài xế xe Quận vừa chăm chú lái xe dưới bóng trăng hạ tuần lờ mờ, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện Tôi và mọi người trong xe, súng cầm tay đạn đã lên nòng, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu ***** Đoàn di tản chúng tôi đến ranh giới tỉnh Phước Tuy lúc trời hừng sáng. Vừa thấy lá cờ vàng trên nóc một đồn Nghĩa quân ở Bà Rịa, phất phới dưới ánh bình minh, mọi người đều vui mừng, kẻ cười người khóc vì xúc động! Những chiếc nón sắt tung lên trời, những tiếng reo hò mừng vui vang lên trong buổi sớm mai của vùng đất an toàn, sau một đêm dài căng thẳng kề cận tử thần! Xe chúng tôi chạy về Thủ Đức, ghé chợ để ăn sáng - nhất là để thưởng thức lại món Nem Thủ Đức nổi tiếng mà từ ngày bận công vụ ở Xuân Lộc, tôi không có dịp ghé qua nơi đây. Sau đó, chúng tôi đến nhà một nhân viên quận trong đoàn di tản, tắm rửa cho sạch bụi đường, mặc vào bộ quần áo dân sự. Mọi người đều để lại súng đạn, quân phục, nón sắt nhờ anh ta giao lại cho chính quyền địa phương Riêng tôi, vẫn giữ bộ quân phục sinh viên sĩ quan Thủ Đức như đã cất giữ suốt trong thời gian làm việc ở ngành hành chánh. Chúng tôi về đến chợ Sài gòn vào buổi trưa. Tôi lái xe đưa các nhân viên đến bến ô tô bus để từ đó mọi người đón xe về nhà mình. Mọi người lưu luyến chia tay nhau như có linh cảm không còn gặp nhau nữa! Tôi nắm chặt tay người tài xế quận- một nghĩa quân cần mẫn, trung tín lái xe cho tôi trong hai năm qua, với biết bao gian nan nguy hiểm trong những lần

chúng tôi đi công tác các tại xã ấp thiếu an ninh Anh ta nhìn tôi mà nước mắt rưng rưng, miệng cười như mếu! Khi tôi bước vào nhà, vợ và các con ôm chầm lấy tôi, mừng mừng tủi tủi. Mẹ vợ nhìn tôi nhẹ nhàng trách móc: - Con muốn làm anh hùng hay sao mà ở lại mặt trận Xuân Lộc? Chờ mãi không thấy con về, vợ con lên căn cứ quân sự Long Bình để dò hỏi tin tức Nhờ ơn Trời Phật con mới được trở về an lành đó con ạ!... Tôi thưa với Mẹ rằng: con chẳng muốn làm anh hùng! Nhưng làm sao con rời bỏ đồng bào chiến nạn để chạy về một mình? Vì họ cần có con để lo công tác cứu trợ cho họ Hơn nữa, con phải ở lại để làm xong nhiệm vụ của một người lính không phục, sát cánh cùng anh em chiến sĩ đang chiến đấu một mất một còn với địch quân nơi trận chiến ác liệt này. Con không thể trốn chạy như một kẻ đào ngũ trong thời chiến, khác hẳn với lời cảnh cáo nghiêm khắc của vị sĩ quan đầu tỉnh đối với các sĩ quan biệt phái như chúng con ***** Sáng hôm nay, một sớm đầu xuân đúng bốn mươi bốn năm sau ngày mất nước, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê đầu ngày trong không khí se lạnh của miền đất tỵ nạn California. Tôi mở máy vi tính cá nhân (PC) nhìn lại tấm hình do anh bạn đồng môn Hành Chánh từ San Jose gởi đến từ tối hôm qua. Trong hình, tôi và các bạn sinh viên sĩ quan Thủ Đức đang ngồi nghỉ chân sau một buổi tập ở quân trường. Nhìn các bạn trong hình, các chiến hữu một thời của tôi, giờ đây ai còn ai mất? Sau hơn bốn mươi năm lạc đàn tan nghé, kể từ ngày 30 tháng Tư oan nghiệt năm đó, những người còn sống sót, nay đang ở nơi nao? Nhìn hình dáng của tôi trong bộ quân phục Thủ Đức ở lứa tuổi đôi mươi, với kính trắng gọng đen, với khuôn mặt gầy ốm rắn rỏi hiện trên màn ảnh máy vi tính khiến tôi mãi bâng khuâng. Trong suốt bảy năm làm việc trong ngành hành chánh ở các địa phương xa xôi nguy hiểm, tôi đã xếp cất, gìn giữ bộ quân phục ấy thật cẩn thận, như một bảo vật nhiều kỷ

niệm nơi quân trường năm xưa. Sau đó tôi đã mặc lại nó, chuẩn bị tác chiến Nhưng oái oăm thay, đó là lúc theo lệnh cấp trên, chúng tôi phải di tản ra khỏi mặt trận Xuân Lộc đang khói lửa ngút trời Trải qua bao tang thương biến đổi cuộc đời, nay thì bộ quân phục nhiều kỷ niệm ấy không còn nữa. Dù sao nó cũng đã để lại trong lòng tôi bao niềm luyến tiếc lẫn tự hào vì đã một thời đóng góp cho sự tồn vong của quê hương đất nước; dẫu đó là những sự đóng góp khiêm tốn của một chiến sĩ không quân phục. Sau ngày nước mất nhà tan, chúng tôi đành sống cuộc đời của kẻ tỵ nạn ly hương, cảm thông được tâm trạng của con hổ trong bài Nhớ Rừng của Thế Lữ, với câu thơ cảm khái: Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Nam California, tháng Tư 2019 Tam Bách Đinh Bá Tâm